1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Việt Nam lần đầu tổ chức lễ hội cá tra

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Lễ hội cá tra lần thứ nhất sẽ được tổ chức tại quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp trong 2 ngày từ ngày 16 đến 17/12.

Đó là thông tin được công bố tại buổi họp báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức chiều nay, 13/12, tại Hà Nội.

Việt Nam lần đầu tổ chức lễ hội cá tra - 1

Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Minh Long).

Với chủ đề "Vươn ra biển lớn" lễ hội cá tra lần đầu tiên được Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức. Lễ hội hướng đến xây dựng hình ảnh "thủ phủ" cá tra Hồng Ngự, quảng bá, tri ân nghề nuôi cá tra - một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Thông qua các hoạt động tại lễ hội là cơ hội để các doanh nghiệp, đối tác gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ thông tin về thị trường trong và ngoài nước; kết nối cung cầu tiêu thụ nội địa và tìm kiếm các đối tác kinh doanh tiềm năng trong chuỗi ngành hàng.

Theo ông Lê Hà Luân, Bí thư Thành ủy Hồng Ngự (Đồng Tháp), điểm nhấn của lễ hội cá tra lần thứ nhất là các hoạt động trải nghiệm không gian cá tra và loài cá nói chung trong văn hóa Việt Nam và thế giới; Thưởng thức biểu diễn ẩm thực, quà lưu niệm, các sản phẩm đặc sắc từ cá tra; Hội thi ẩm thực từ cá tra; Tham quan vùng nuôi và nhà máy chế biến cá tra. Không chỉ gói gọn trong các hoạt động giải trí, lễ hội còn là nơi tôn vinh những cá nhân, đơn vị, tổ chức có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành hàng cá tra, hoạt động vì cộng đồng…

Cá tra là 1 trong 5 mặt hàng chủ lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp. Cá tra là sản phẩm lâu đời gắn với cuộc sống của người dân địa phương. Trước kia người dân chỉ đi vớt cá tra loại nhỏ (cá bột) về nuôi lớn trong ao nhà để làm nguồn thực phẩm chính gia đình. Nhờ sự phát triển khoa học công nghệ, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, cá tra từ ao làng đã "vươn ra biển lớn", đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính trên thế giới.

"Nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như sự mạnh dạn đầu tư của người nông dân, các doanh nghiệp, đến nay cá tra đã vươn ra hầu hết các thị trường thế giới, kể cả những thị trường khó tính. Lễ hội lần này nhằm tôn vinh công lao những người đã khai phá phát triển ngành cá tra, từ đó chúng ta có được sản phẩm quốc gia là cá tra rất đáng tự hào, với sức cạnh tranh cao trên thị trường toàn cầu", ông Luân nói.

Với lợi thế tuyệt đối về điều kiện tự nhiên, cá tra là loài thủy sản đặc hữu có giá trị kinh tế của khu vực của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Ngành hàng cá tra Việt Nam không ngừng phát triển và đã trở thành ngành công nghiệp cá tra nổi tiếng toàn cầu với sản lượng hàng năm vượt 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT thông tin: "Phát triển kinh tế nông nghiệp của Đồng Tháp cũng như chủ trương của Bộ NN&PTNT là tích hợp các thành phần trong chuỗi giá trị. Lễ hội cá tra được tổ chức bởi phát triển kinh tế nông nghiệp phải có phần lễ hội, dịch vụ, tiêu dùng, lưu trú và hạ tầng. Công nghệ chế biến cá tra hiện nay đạt trình độ cao. Tuy nhiên, đây là mắt ghép cần tiếp tục hoàn thiện sâu hơn, để làm được điều này phải đồng bộ về nguồn lực và bổ sung chính sách để thúc đẩy phát triển ngành cá tra trong bối cảnh nền kinh tế vừa hồi phục sau đại dịch".

Việt Nam lần đầu tổ chức lễ hội cá tra - 2

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin tại họp báo. (Ảnh: Minh Long).

Thông tin thêm tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để phát triển bền vững ngành hàng cá tra cần nhiều giải pháp đồng bộ như liên kết, hình thành chuỗi giá trị giữa người nông dân và doanh nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến cá tra; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dự báo tình hình cung - cầu; đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng giá trị. Ngành hàng cũng cần tiến tới sử dụng hiệu quả phụ phẩm gắn với kinh tế tuần hoàn; xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp sẽ cùng các địa phương tập trung nâng cao chất lượng con giống, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm của các sản phẩm.

"Cá tra là ngành hàng áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong các khâu về giống, nuôi, thu hoạch, sơ chế, chế biến. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa chuỗi giá trị của cá tra đã hoàn hảo mà cần thúc đẩy thời gian tới về giá trị gia tăng, công tác nghiên cứu giống mới, vaccine phòng bệnh gắn với giải quyết môi trường,...", ông Tiến nói.