1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Việt Nam kêu gọi Quốc tế hỗ trợ di chuyển lao động tại Libya

(Dân trí) - Đến hôm nay (28/2) đã có 3.389 lao động đã rời Libya về đến Việt Nam hoặc đang chờ làm thủ tục. Việt Nam cũng đã nhờ đến sự hỗ trợ của Tổ chức di dân quốc tế (IOM) khi vẫn còn hơn 3.000 người còn mắc kẹt ở Libya.

Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội cho biết, đã có 3.389 lao động rời Libya về đến Việt Nam hoặc đang chờ làm thủ tục về Việt Nam.

Theo đó, tính đến 14h chiều nay, số lượng lao động Việt Nam đã rời Libya và về nước an toàn là 830 người. Số còn lại đã và đang tiến hành làm thủ tục chờ về nước, Cụ thể, hôm nay sẽ có 700 lao động của công ty Việt Thắng được đưa sang Tuynidi an toàn và đang chờ làm thủ tục xuất cảnh về Việt Nam; đến 19h20 tối nay sẽ có 67 lao động của Công ty Vinaconex về đến sân bay Nội Bài; lúc 23h30 sẽ có 50 lao động của Công ty Letco về đến sân bay.

Việt Nam kêu gọi Quốc tế hỗ trợ di chuyển lao động tại Libya - 1
Những lao động từ Libya đã về đến Việt Nam ngày 26/2. (Ảnh: Cục QLLĐNN)
 
Theo kế hoạch của Cục Quản lý lao động ngoài nước, đến ngày 2/3 sẽ có 7.484 lao động Việt Nam được đưa ra khỏi Libya. Cục này cũng cho biết, đã tiến hành làm việc với đại diện của IOM (Tổ chức di dân quốc tế)  và đề nghị tổ chức này giúp đỡ cho lao động Việt Nam đang còn ở Libya hoặc đã di chuyển sang các nước lân cận để chờ làm thủ tục về nước.

Nhận được sự đồng ý của IOM, Cục thông tin chi tiết địa chỉ, số điện thoại của IOM tại một số nước xung quanh Libya tại địa chỉ website của Cục  (dolab.gov.vn) để người lao động khi gặp khó khăn có thể liên hệ và đề nghị giúp đỡ.

Về việc giải quyết quyền lợi cho người lao động sau khi trở về nước, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước thông báo, trước mắt cơ quan chức năng sẽ tập trung đảm bảo an toàn tính mạng cho người lao động, trở về nước an toàn.  Trước mắt mỗi lao động sẽ được hỗ trợ ngay 1 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Sau khi tình hình ổn định, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động sẽ cùng với đối tác lên kế hoạch giải quyết chính sách hỗ trợ đối với người lao động trở về từ Libya.

Cán bộ của Cục cho biết, việc giải quyết quyền lợi theo nguyên tắc: nếu làm việc chưa đủ 1/2 thời gian hợp đồng thì được hoàn trả 50% tiền môi giới, làm trên 1/2 thời gian hợp đồng không được hoàn trả. Riêng phí dịch vụ, nếu nộp trước đủ một lần (mỗi năm một tháng lương), doanh nghiệp phải hoàn trả một khoản tương ứng với số tháng người lao động không còn làm việc theo hợp đồng…

Libya được Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội chọn là thị trường triển khai quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người nghèo đi xuất khẩu lao động (gồm 62 huyện nghèo). Lao động Việt Nam chỉ mới được đưa sang thị trường này từ năm 2009, nhưng đến nay đã có khoảng 10.000 người đang làm việc tại đây do yêu cầu khá thấp và mức lương ổn định (khoảng 4-5 triệu/tháng).
 
 
Một công ty từ chối cung cấp thông tin về lao động ở Lybia.

Những ngày qua, Dân trí liên tiếp nhận được đề nghị của bạn đọc có người thân đang làm việc tại Lybia hỏi về tình hình các lao động tại đây và cả thông tin từ lao động Việt Nam tại thành phố Sirt thông báo tình hình qua thư điện tử.

Theo anh Nguyễn Văn Duy, có số hộ chiếu B3337869 và số điện thoại 00218918511646 cho biết, có gần 40 người Việt Nam đang ở thành phố Sirt - Lybia đang gặp khó khăn trong việc liên hệ với đại diện công ty Vinaconex-mec để được giúp đỡ về nước.

PV Dân trí đã đến trụ sở của Công ty CP Nhân lực & Thương mại Vinaconex, có địa chỉ tại khu nhà 17T6 Trung Hòa - Nhân Chính (Thanh Xuân - Hà Nội) để liên hệ cung cấp thông tin cũng như cập nhật về tình hình giải quyết hỗ trợ lao động về nước của công ty. Tuy nhiên, sau khi phóng viên xuất trình giấy tờ liên hệ, đại diện công ty này đã từ chối.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - lễ tân công ty CP Nhân lực & Thương mại Vinaconex cho biết, công ty không thể cung cấp thông tin cho phóng viên và hẹn vào dịp khác nhưng cũng không cho phóng viên biết cụ thể là dịp nào?

Bà Hiền cho rằng, Lãnh đạo công ty đang rất bận để giải quyết tình hình lao động của công ty tại Lybia, nếu các phóng viên cần thông tin thì lên sân bay hoặc liên hệ hỏi các cơ quan liên quan khác.

Quốc Đô - Anh Thế
 

P. Thanh