Việt Nam giữ vị thế cao tại WEF về Đông Á

(Dân trí) - “Trong khi cả thế giới bị suy thoái kinh tế thì Việt Nam năm qua vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế 5,3%. Năm 2010 dự kiến tăng trưởng 6,5 - 7% còn từ năm 2011 đến 2020 tăng trưởng 7 - 8%”.

Việt Nam giữ vị thế cao tại WEF về Đông Á - 1
Hơn 450 đại biểu tham dự WEF về Đông Á đánh giá vị thế cao của Việt Nam. 
 
Đó là những con số ấn tượng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo trong phiên họp đầu tiên của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á ngày 6/6.

Thủ tướng cho biết: “Sau 25 đổi mới, Việt Nam liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân 7 - 8%/năm. Năm 2009, trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn tăng trưởng kinh tế khá cao là 5,32%. Trong những năm tới, Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Trong vai trò là thành viên HĐQT Tập đoàn Metro - Đức, ông Frans W. Muller đặc biệt ấn tượng về tốc độ tăng trưởng hơn 5% của Việt Nam trong năm qua. Ông cho rằng, trong khi kinh tế châu Âu đang thu hẹp thì châu Á ngược lại. Chính vì vậy, ông khẳng định tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư vào thị trường “rất ổn định và phát triển - Việt Nam”.

“Tương lai khu vực Đông Á sẽ là động lực phát triển cho phần còn lại của thế giới”, phát biểu trong cuộc họp báo quốc tế ngay trước giờ khai mạc WEF về Đông Á, ông Hemant M. Nerurkar - Giám đốc điều hành Tata, Ấn Độ - khẳng định. Tập đoàn này đang lên kế hoạch phát triển tại Việt Nam, nơi có dân số trẻ, mức sống và tiêu dùng tăng nhanh.

Ông Andrei L. Kostin, Chủ tịch và giám đốc điều hành Ngân hàng VTB của Nga nhận định, 20 năm trước châu Á chủ yếu chỉ sản xuất hàng xuất khẩu, nay châu Á hoàn toàn có động lực phát triển nội tại.

Rất nhiều diễn giả trong phần phát biểu có cùng suy nghĩ như ông Robert Greenhill (giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới): “Việt Nam là nơi rất tuyệt vời để tổ chức hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á”.

Hồng Tâm