1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

WEF về Đông Á: Công nghệ xanh là bắt buộc

(Dân trí) - “Làm thế nào để lãnh đạo các nước châu Á thúc đẩy công nghệ xanh trong khu vực?”, đó là chủ đề nóng mở đầu cho ngày làm việc thứ hai 7/6 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á.

WEF về Đông Á: Công nghệ xanh là bắt buộc - 1
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai trả lời các câu hỏi về chính sách của Việt Nam đối với môi trường.
 
Phiên họp do kênh truyền hình Deutsche Welle TV - Đức chủ trì, truyền hình trực tiếp - được đánh giá là “hấp dẫn đến phút cuối”.
 
Bằng phong cách hết sức tự nhiên, biên tập viên (BTV) Amrita Cheema - Behrendt mở lời nhẹ nhàng để đại diện đến từ Hàn Quốc chia sẻ thẳng thắn: “Hàn Quốc rất lo ngại về biến đổi khí hậu”.
 
Đã có những lúc mức khí thải gia tăng đến mức khó kiểm soát. Trong hai thập niên liên tiếp, GDP của Hàn Quốc giảm từ 8 % xuống chỉ còn 4%. Trước tình thế bức bách, tổng thống Hàn Quốc quyết định cần có chiến lược đi vào tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, đặt mục tiêu cắt giảm khí CO2.
 
Hàn Quốc lập hẳn một ủy ban điều hành và ban hành đạo luật mới về ưu tiên cho các doanh nghiệp phát triển công nghệ có mức khí thải thấp. Chính phủ dành hẳn 83,16 tỷ USD, “một phần rất đáng kể trong GDP” vì sự phát triển xanh, đồng thời có nhiều chính sách ưu tiên về thuế, vốn cho các doanh nghiệp xanh. Chính nhờ những gói kích cầu này, năm nay Hàn Quốc có mức tăng trưởng kinh tế trên 5%.
 
“Đối với Hàn Quốc, tăng trưởng xanh không phải là lựa chọn mà là điều kiện bắt buộc”, kết thúc phần trình bày của mình, thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc nhấn mạnh.
 
Tiếp lời người đồng nhiệm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Việt Nam Nguyễn Thái Lai cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tổn thương nhiều nhất do biến đổi khí hậu.
 
Chính phủ cũng thành lập Ủy ban quốc gia do chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu điều hành trực tiếp. Việt Nam xây dựng chương trình hành động để đối phó với thách thức đặt ra do biến đổi khí hậu. Gần đây chính phủ còn ban hành nghị định riêng về bảo vệ môi trường.
 
WEF về Đông Á: Công nghệ xanh là bắt buộc - 2
Các diễn giả chính trong truyền hình trực tiếp của đài truyền hình Đức.
 
Cả hội trường gần như “ồ” lên khi ông Stuart Dean - Chủ tịch khu vực ASEAN, đai diện tập đoàn GE, chuyên sản xuất động cơ máy bay và thiết bị điện… công bố con số 5 tỷ USD/năm dành để sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường.
 
Bằng chất giọng sôi nổi khi nhắc đến vấn đề tâm huyết, ông nói: “Phát triển theo công nghệ xanh không chỉ xây dựng hình ảnh tốt về GE mà còn đem lại lợi nhuận đáng kể. Công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng chính là hướng đi đúng đắn nhất”.
 
Chủ tịch của Công ty DuPont Asia Pacific, Nhật Bản, Carl Lukach cũng hào hứng: “Bền vững là yếu tố quan trọng trong kinh doanh. Muốn phát triển bền vững chỉ có con đường duy nhất là đổi mới để phát triển công nghệ xanh”.
 
Đại diện chính thức của tập đoàn Metro, Đức - ông Frans W. Muller cho biết do nhu cầu phải giữ lạnh sản phẩm nên mức tiêu thụ năng lượng của Metro tương đương mức tiêu thụ của một thành phố 500.000 dân.
 
Metro xây dựng ý thức cho từng nhân viên và đặt mục tiêu cho 290.000 nhân viên trên khắp thế giới: “Từ nay đến năm 2015 phải giảm 15% mức khí thải”. Metro có hẳn một chương trình yêu cầu tất cả nhân viên từ bán buôn, bán lẻ… phải có trách nhiệm giảm tiêu hao năng lượng.
 
Bên cạnh đó, Metro đang chuyển sang mua sản phẩm giữ lạnh sử dụng năng lượng thấp hoặc sử dụng năng lượng mặt trời. Trước mắt, tại trung tâm mua sắm của Metro tại Luxembourg sử dụng năng lượng hoàn toàn từ tái tạo.
 
Bằng các dẫn chứng sinh động, cả ba nhà lãnh đạo các tập đoàn lớn này đã khiến các doanh nhân có mặt tin tưởng vào con đường tất yếu để phát triển bền vững là phải “phát triển xanh, giảm khí thải, giảm tiêu hao năng lượng”.
 
Hồng Tâm