Việt Nam có triển vọng phục hồi rất tốt sau đại dịch
(Dân trí) - Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, nhờ chiến dịch tiêm chủng hiệu quả nên Việt Nam có triển vọng rất tốt trong phục hồi và phát triển sau dịch, tiến trình này đang đi đúng hướng.
Việt Nam là một trong những đối tác tốt
Sáng 16/5 (giờ địa phương, tức tối 16/5 giờ Hà Nội), tại New York - Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc làm việc với Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - bà Antoinette Monsio Sayeh.
Thủ tướng cảm ơn và đánh giá cao IMF đã hỗ trợ tiếp cận vaccine, tài chính, tư vấn chính sách cho Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19; sự đồng hành, hỗ trợ của IMF đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô; khẳng định Việt Nam đang phát huy sự hỗ trợ này một cách hiệu quả, đúng mục đích. Theo Thủ tướng, nhờ phòng chống dịch hiệu quả nên Việt Nam đã đạt được một số thành tựu trong quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch.
Hiện Việt Nam đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với gói hỗ trợ trị giá khoảng 4% GDP, bao gồm 5 cấu phần: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, việc đầu tư phát triển vừa nhằm hiện đại hóa hệ thống hạ tầng để vừa tạo việc làm, vừa thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị IMF hỗ trợ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển; tư vấn, khuyến nghị chính sách và hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực; giúp Việt Nam triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030); đồng hành cùng Việt Nam trong thực hiện mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị IMF trước mắt hỗ trợ, tư vấn cho Việt Nam trong đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; phát triển thị trường vốn minh bạch, bền vững; kiểm soát lạm phát; phát triển logistics, giảm phí vận tải; đổi mới công nghệ, chuyển đổi số; đa dạng hóa chuỗi cung ứng; chống biến đổi khí hậu; chuyển đổi năng lượng...
Trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Tổng Giám đốc IMF Antoinette Monsio Sayeh bày tỏ vui mừng về mối quan hệ đối tác tốt đẹp giữa Việt Nam - IMF; đánh giá cao nỗ lực và giải pháp của Chính phủ Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh.
Bà Antoinette Monsio Sayeh cho rằng, nhờ chiến dịch tiêm chủng hiệu quả nên Việt Nam có triển vọng rất tốt trong phục hồi và phát triển sau dịch, tiến trình này đang đi đúng hướng, nhất là với chương trình phục hồi và phát triển của Chính phủ.
Trao đổi về những khó khăn, thách thức mà các nước đang phải đối mặt trong bối cảnh môi trường khu vực và quốc tế đầy rủi ro và biến động do tình hình dịch bệnh, xung đột đang làm trầm trọng thêm việc đứt gãy chuỗi cung ứng, Phó Tổng giám đốc IMF đưa ra một số khuyến nghị, khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác tốt và IMF sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam theo các đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Đề nghị đối tác Mỹ hỗ trợ Việt Nam chống tham nhũng
Cũng trong sáng 16/5 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn tài chính hàng đầu của Mỹ.
Tiếp ông Alfred Kelly - Chủ tịch và Giám đốc điều hành Tập đoàn Visa, Thủ tướng đánh giá cao sự hiện diện của Visa tại thị trường Việt Nam trong hơn 20 năm qua, góp phần thúc đẩy và phát triển hoạt động thanh toán thẻ tại Việt Nam; hoan nghênh và ủng hộ kế hoạch hợp tác của Visa với Chính phủ Việt Nam trong đổi mới lĩnh vực tài chính và mở rộng khả năng tiếp cận thanh toán không dùng tiền mặt.
Vừa qua, Việt Nam đã xây dựng và phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Visa phối hợp và trao đổi chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tham gia hỗ trợ triển khai các hoạt động và nhiệm vụ đã được phê duyệt tại đề án, hướng tới đạt được các mục tiêu đã đề ra sớm hơn kế hoạch. Điều này phù hợp với chương trình chuyển đổi số của Việt Nam, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực, chống thất thu thuế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, du khách…
Thủ tướng cho biết, hiện Việt Nam đang rất quyết liệt xử lý các sai phạm để phát triển thị trường vốn phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững; đề nghị S&P hỗ trợ trong việc xếp hạng tín nhiệm với các doanh nghiệp Việt Nam.
Tiếp ông Joseph Bae - Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Kohlberg Kravis Roberts (KKR), Thủ tướng đánh giá cao hoạt động đầu tư vào khu vực tư nhân ở Việt Nam, hoan nghênh KKR có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Thủ tướng cho biết, năm 2021 Việt Nam thu hút được khoảng 1,3 tỷ USD cho các hoạt động khởi nghiệp, đây là con số lớn nhất từ trước tới nay, bất chấp bối cảnh dịch bệnh...
Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Mỹ hôm 11/5 để tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ; thăm và làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc.
Tại Washington D.C., Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp riêng với Tổng thống Joe Biden; tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước. Ngày 12-13/5, Thủ tướng tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ
Ngày 14/5, Thủ tướng tới Boston tham dự nhiều hoạt động.
Trong các ngày 15-16/5, Thủ tướng đến New York với lịch làm việc tại Liên Hợp Quốc.
Chuyến công tác tại Mỹ của Thủ tướng dự kiến kéo dài tới ngày 17/5.