Việt Nam - Hoa Kỳ thúc đẩy ký kết hiệp định dẫn độ
(Dân trí) - Việt Nam và Hoa Kỳ đang thúc đẩy đàm phán để sớm ký Bản ghi nhớ hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, Hiệp định dẫn độ và Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù...
Nhân dịp tham gia Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN- Hoa Kỳ; đồng thời thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc từ ngày 11 - 17/5/2022, bên cạnh việc tham dự cùng Thủ tướng các hoạt động quan trọng của chuyến thăm, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có các buổi làm việc với Bộ An ninh Nội địa, các cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ và Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc.
Quan hệ hai nước duy trì đà phát triển tốt đẹp
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Tô Lâm, ngài John Tien, Thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ hoan nghênh và đánh giá cao chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Công an và Đoàn đại biểu Bộ Công an Việt Nam.
Hai bên đều có chung đánh giá, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nói chung và quan hệ hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ nói riêng duy trì đà phát triển tốt đẹp, thực chất và ngày càng đi vào chiều sâu. Hai Bên đã tích cực trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm kinh tế, tội phạm mua bán người, phối hợp trao trả đối tượng truy nã liên quan đến hai nước.
Hai bên thúc đẩy đàm phán để sớm ký Bản ghi nhớ hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, Hiệp định dẫn độ và Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù để tạo sơ sở pháp lý cho hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật và tư pháp hình sự giữa hai nước thông qua các cơ chế hiện có; kịp thời trao đổi thông tin tội phạm, chia sẻ kinh nghiệm; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp đấu tranh chuyên án, điều tra, truy nã tội phạm liên quan đến hai nước; trao đổi tham vấn lẫn nhau về quy trình, thủ tục tương trợ tư pháp về hình sự.
Đồng thời, hai bên nghiên cứu thiết lập quan hệ hợp tác giữa đơn vị chức năng của Bộ Công an Việt Nam với Cơ quan giám sát tình huống khẩn cấp liên bang (FEMA) của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Bên cạnh đó, đề nghị phía Hoa Kỳ có đánh giá khách quan về tình hình tội phạm mua bán người ở Việt Nam, đồng thời ghi nhận những kết quả và nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống tội phạm mua bán người.
Chủ nghĩa khủng bố tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh quốc tế
Ngày 16/5, Bộ trưởng Tô Lâm có buổi làm việc với ngài Vladimir Voronkov, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách phòng, chống khủng bố.
Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá cao sự hỗ trợ của Liên hợp quốc đối với công tác phòng, chống khủng bố và bạo lực cực đoan khu vực Đông Nam Á nói chung và đối với Việt Nam nói riêng.
Về vấn đề khủng bố, hai bên nhận thấy trong những năm qua, nguy cơ khủng bố toàn cầu tiếp tục phát triển, các nhóm khủng bố quốc tế không ngừng tìm kiếm các phương thức hoạt động mới, đẩy mạnh sử dụng không gian mạng và công nghệ thông tin, cấu kết với tội phạm xuyên quốc gia. Chủ nghĩa khủng bố tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh quốc tế. Việt Nam lo ngại hậu quả kinh tế lâu dài do tác động từ đại dịch Covid-19 sẽ dẫn đến sự gia tăng làn sóng khủng bố và xu hướng tuyên truyền cực đoan, tuyển mộ khủng bố trên không gian mạng.
Trong thời gian tới, Việt Nam cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc và các nước trong đấu tranh chống khủng bố; đồng thời ủng hộ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu chống các hoạt động khủng bố và loại trừ chủ nghĩa khủng bố.
Việt Nam hoan nghênh Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch về phòng, chống khủng bố cũng như đề nghị hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống khủng bố và an ninh trên không thông qua xây dựng Chương trình kiểm soát quá trình đi lại của nghi phạm khủng bố (CTTP) và Chương trình Mô hình đánh giá nguy cơ đối với an ninh hàng không (TAM).