1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Việt Nam có 77 triệu xe máy, cứ 1.000 dân có 770 người sở hữu xe máy

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Đến tháng 9, Việt Nam đã có 77 triệu xe máy đăng ký, đưa tỷ lệ sở hữu xe máy trên 1.000 dân tới 770 xe, thuộc hàng cao nhất thế giới.

Sáng 4/11, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm".

Việt Nam sở hữu xe máy cao nhất thế giới

Tại hội thảo, ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ sở hữu và sử dụng xe máy cao.

Đến tháng 9, Việt Nam đã có 77 triệu xe máy đăng ký, đưa tỷ lệ sở hữu xe máy trên 1.000 dân tới 770 xe, thuộc hàng cao nhất thế giới.

Trong bối cảnh đặc thù về quy hoạch xây dựng và bất cập về hạ tầng giao thông, các lợi thế của xe máy như tốc độ khá cao, có khả năng chuyên chở, sự linh hoạt, thuận tiện, cơ động, chi phí vận hành rẻ,... càng được phát huy lên gấp bội khi so sánh với các phương tiện vận tải khác.

Song một trong những nhược điểm của xe máy là độ an toàn thấp,...

Mặc dù có nhiều kế hoạch dự kiến quản lý, hạn chế chặt chẽ hơn, xe máy hiện nay vẫn là phương tiện đi lại của số đông người dân Việt Nam, chiếm 85-90% lưu lượng phương tiện trên đường và liên quan tới 60-70% số vụ tai nạn giao thông. 

Theo ông Minh, nếu không cẩn thận Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng rủi ro va chạm do cơ giới hóa.

Vấn đề cần có giải pháp thời gian tới là trẻ em đi xe máy có dung tích dưới 50cc. Hiện nay nhóm 16-18 tuổi có thể điều khiển xe máy dung tích dưới 50cc một cách hợp pháp, trong khi nhóm này vẫn thiếu kiến thức và đặc biệt thiếu kỹ năng điều khiển xe.

Hiện tượng người dưới 16 tuổi điều khiển các loại xe hai bánh gặp tai nạn giao thông (TNGT) vẫn diễn biến phức tạp.

Việt Nam có 77 triệu xe máy, cứ 1.000 dân có 770 người sở hữu xe máy - 1

Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (Ảnh: Tạ Hải).

Bên cạnh đó, có một số vụ TNGT xảy ra do những vi phạm những quy tắc giao thông cơ bản như không nhường đường khi từ đường phụ ra đường chính, đi vào điểm mù, chuyển hướng thiếu quan sát, đi sai phần đường, cho thấy các nội dung trong đào tạo và sát hạch lái xe máy cần được tiếp tục tăng cường.

"Tiêu chuẩn làn xe máy và hướng dẫn thiết kế làn dành riêng cho xe máy mới được ban hành dưới dạng hướng dẫn tham khảo, và chưa được áp dụng một cách rộng rãi. Nếu quản lý tốt sẽ giảm được rất nhiều TNGT cho người đi xe máy", ông Minh phân tích.

Mặc dù là điểm sáng về thực thi chính sách đội mũ bảo hiểm với người đi mô tô, xe máy, Việt Nam vẫn chưa có quy định xử phạt với trẻ dưới 6 tuổi khi ngồi trên mô tô, xe máy không đội mũ, chưa có tiêu chuẩn mũ bảo hiểm đi xe máy cho trẻ dưới 6 tuổi. Đây là những khoảng trống về mặt pháp luật cần được sớm bổ sung.

Bên cạnh đó tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của trẻ em trên mô tô, xe máy còn thấp do nhận thức của một bộ phận của phụ huynh về mũ bảo hiểm còn chưa đúng đắn và chưa đầy đủ. Tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của trẻ em trên sáu tuổi ngồi trên mô tô xe máy còn thấp.

Dù có hệ thống đăng ký mô tô, xe máy tuy nhiên số lượng xe máy thực tế lưu hành thấp hơn so với số lượng thực tế đăng ký. Bởi vậy con số đăng ký hiện nay chưa phản ánh số lượng xe máy thực sự lưu hành.

Hàng năm xe máy tăng 10-15%

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, phương tiện xe máy tại Việt Nam chiếm số lượng lớn, khoảng hơn 70 triệu xe; hàng năm trung bình tăng 10-15%.

Việt Nam có 77 triệu xe máy, cứ 1.000 dân có 770 người sở hữu xe máy - 2

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Ảnh: Tạ Hải).

Qua phân tích nguyên nhân các vụ TNGT cho thấy, phương tiện xe máy gây ra tai nạn trong 10 tháng đầu năm vẫn chiếm 60% tổng số các phương tiện gây tai nạn.

Để phòng ngừa xe máy gây TNGT, lực lượng CSGT đã tập trung mở nhiều cao điểm để xử lý nhưng cái chính vẫn là ý thức tham gia giao thông của người điều khiển xe máy cần được cải thiện hơn.

Nhằm khắc phục những hạn chế trong quản lý phương tiện xe máy, trong Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ cơ quan chủ trì đã đề xuất một số quy định mới.

Theo đó, hiện đại hóa trung tâm chỉ huy giao thông; bảo đảm kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu về TTATGT đường bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Đây là một điểm mới trong chính sách của Nhà nước về đảm bảo trật tự ATGT đường bộ

Ông Trung cho biết thêm, lực lượng cảnh sát đang tập trung đảm bảo an toàn cho học sinh, chỉ trong đợt cao điểm đã xử lý khoảng 80.000 trường hợp. Theo ông, cần tập trung xử lý vi phạm giao thông trong lĩnh vực học sinh vì đây là đối tượng dễ tổn thương, nhưng chủ yếu khi xử lý, lấy hướng dẫn, giáo dục tuyên truyền cho các cháu là chính.

Những vấn đề này cần truyền thông, định hướng. Khi có giải pháp bài bản sẽ có thế hệ học sinh chấp hành luật giao thông tốt hơn, giảm tai nạn hơn.

Còn Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, an toàn giao thông đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy là vấn đề nóng không chỉ ở những quốc gia như Việt Nam mà dần trở thành vấn đề mang tính toàn cầu.

Ở Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển mô tô, xe máy là phương tiện tham gia giao thông cá nhân chủ yếu. Đây không chỉ là phương tiện phục vụ việc đi lại của người dân, mà còn là phương tiện quan trọng trong sản xuất kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, làm dịch vụ. 

Song hành với sự tiện lợi và dễ dàng tiếp cận của mô tô, xe máy là thách thức rất lớn về tai nạn giao thông. Mức độ rủi ro xảy ra đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy rất cao, tai nạn giao thông do các phương tiện này gây ra để lại hậu quả lớn đối với người dân và xã hội.

Tại Việt Nam, theo thống kê, tỷ lệ tai nạn giao thông do người điều khiển mô tô, xe máy gây ra chiếm trên 60% số vụ tai nạn giao thông đường bộ.

Những năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu đáng kể trong cải thiện an toàn giao thông, đặc biệt là cải thiện an toàn giao thông đối với người đi mô tô, xe máy.