DNews

Bí thư Bình Thuận: "Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng cho dân"

Phước Tuần

(Dân trí) - "Giữ rừng cho dân, giữ nước cũng cho dân. Rừng có thể tái tạo, dù rừng trồng không bằng rừng tự nhiên. Còn nước không tự làm ra được, có thể lọc nước biển nhưng tốn kém", Bí thư Bình Thuận chia sẻ.

Bí thư Bình Thuận: "Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng cho dân"

Trước những dư luận trái chiều, hiểu chưa đúng về dự án hồ chứa nước Ka Pét, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức buổi họp báo thông tin các vấn đề liên quan của dự án vào chiều 7/9. Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An đã dự và có nhiều chia sẻ tâm huyết của ông về dự án này.

"Tinh thần tỉnh không né tránh và cũng mong báo chí thông tin chân thật, nhiều chiều, đầy đủ. Không chỉ nên ca tụng tích cực, nhưng cũng không chỉ nói tiêu cực. Cả cái gì tốt và không tốt đều nói. Nếu nói một cách phiến diện sẽ đưa bạn đọc đến những suy luận không đúng với thực tế", ông An nói.

Bình Thuận sẵn sàng điều chỉnh dự án nếu có bất cập

Mở đầu buổi họp báo, ông Dương Văn An, cho biết, hiện chỉ 20% đất nông nghiệp ở Bình Thuận, tương đương 57.000ha được tưới nước chủ động. Còn diện tích rất lớn chưa được tưới, đặc biệt ở phía Nam như Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi. Theo kế hoạch, khoảng 619ha rừng sẽ được khai thác để làm hồ thủy lợi, nhưng đổi lại sẽ cấp nước tưới trực tiếp cho hơn 7.760ha đất nông nghiệp và nước sinh hoạt tới 120.000 dân huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết.

Bí thư Bình Thuận: Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng cho dân - 1

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: Phước Tuần).

Ngoài ra, dự án còn cấp nước cho các hồ ở hạ du, gián tiếp tưới nước cho hơn 6.200ha, cung cấp 2,63 triệu m3 nước mỗi năm cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II. Dự án cũng phòng, chống lũ, lụt, cải tạo môi trường sinh thái cho một số vùng hạ du của tỉnh.

Mong muốn được lắng nghe ý kiến đa chiều từ cơ quan báo chí, ông An mong cuộc họp báo diễn ra thẳng thắn, cởi mở, chân tình, nói rõ và thẳng với nhau. Về những việc chuyên môn sâu nếu chưa trả lời được, Bí thư Bình Thuận xin hứa sẽ trả lời bằng văn bản. 

Chia sẻ thêm về ý nghĩa dự án, ông An nói mới đây có đoàn đi khảo sát, nhưng đi vào mùa mưa chỉ mới thấy một nửa thực tế khó khăn của người dân. Nếu đi thêm vào mùa khô sẽ hiểu được nỗi khổ cực của người dân như thế nào.

Ông An đề nghị: "Phải nói làm lãnh đạo ở địa phương không lo được cho dân thì cũng là tội lỗi. Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng cho dân, dự án này là giữ nước cho dân. Dự án giúp tăng nước ngầm, điều tiết nước giữa mùa mưa và mùa khô. Nếu chỉ nói một chiều về rừng thì bao nhiêu người hiểu được cảnh các hộ dân, cây trồng chịu cảnh khô hạn. Nên tôi muốn mọi nhận định, ý kiến cần đặt vào vị trí của người dân".

Bí thư Bình Thuận: Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng cho dân - 2

Hồ Ka Pét khi đưa vào sử dụng giúp người dân huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết không còn lo thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu vào mùa khô (Ảnh: UBND Bình Thuận).

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nói thêm làm lãnh đạo nếu ngại va chạm dư luận xã hội, gió chiều nào theo chiều ấy, đẽo cày giữa đường thì dễ quá. "Tôi nhớ lời Bác Hồ nói việc gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng quyết tâm làm, việc gì có hại cho dân thì dù nhỏ cũng cố sức tránh. Làm ở đây không phải làm bất chấp, không phải làm không có khoa học, làm theo kiểu phá hoại", ông An nói.

Trong đoạn phát biểu, ông nhấn mạnh: "Tỉnh sẵn sàng tiếp thu ý kiến của nhà khoa học, báo chí, nếu có gì bất cập, bất hợp lý ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng hệ sinh thái đến mức nặng nề, không thể khắc phục, tỉnh sẽ sẵn sàng điều chỉnh, không bảo thủ. Tỉnh xác định việc đúng thì quyết tâm làm, sai thì chỉnh sửa, tiếp thu, không bảo thủ".

Giữ nước như giữ hạt ngọc cho dân

Trao đổi thêm về sự quan trọng của việc tạo nguồn nước cho người dân mùa hạn, ông Dương Văn An nhấn mạnh, trách nhiệm của tỉnh là lo nước cho dân. Nhiều nhiệm kỳ qua, Bình Thuận tìm mọi cách, vừa xin Trung ương, vừa dùng nguồn lực địa phương xây dựng hệ thống hồ chứa nước, kênh mương thủy lợi trên toàn tỉnh nhưng vẫn chưa đủ.

Theo ông An, vào mùa mưa, nước theo kênh rạch, sông suối chảy ra biển, không giữ lại được, trong khi mùa khô khu vực này không có nước. Do đó, tỉnh phải làm hồ để tích trữ nước cho dân sản xuất, sinh hoạt. Ở Bình Thuận, có người nói giữ nước như là giữ hạt ngọc cho dân. Người dân nơi đây quý nước như đồng bào miền núi quý hạt muối.

Bí thư Bình Thuận: Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng cho dân - 3

Vị trí xây dựng hồ Ka Pét tại rừng Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam (Đồ họa: Ngà Trịnh).

Theo ông An, với đặc điểm địa hình Bình Thuận, muốn làm hồ thủy lợi, không ít thì nhiều đều ảnh hưởng đến rừng. Nhưng có hồ, môi trường chắc chắn sẽ tốt lên vì tích được nước, tăng độ ẩm toàn khu vực, tạo môi trường cho cây sinh trưởng. Trước đây, vào mùa khô, từ trên cao nhìn xuống, đất đai Bình Thuận xám xịt vì cây khô, úa, nhưng sau khi có hồ thì vùng đó giữ được màu xanh. Nhiều vùng đất khô cằn, cát cháy được phủ màu xanh cây trái, đời sống người dân ngày càng tốt hơn.

Tại sao phải xây dựng hồ Ka Pét lớn vậy? Ông An giải thích vị trí 600ha rừng để làm hồ thủy lợi đã được đơn vị tư vấn chọn rất kỹ dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có. Hồ phải chọn địa điểm trên cao, là nơi tụ thủy, hợp lưu sông suối, địa hình dễ ngăn đập để dung tích chứa nhiều nhất, nhưng ít tổn hại rừng nhất. Tỉnh đã phân tích nhiều phương án, như lòng hồ có thể chứa 60-90 triệu m3, hay chỉ 30-40 triệu m3. Từ đó, UBND tỉnh cùng đơn vị tư vấn thiết kế đã tính toán dung tích tối ưu cho cả nhu cầu tưới tiêu và lưu vực nước sinh hoạt là 51 triệu m3.

Tỉnh giảm diện tích rừng đặc dụng xuống thấp nhất

Cũng theo ông An, nước là tài nguyên, rừng cũng là tài nguyên. Giữ rừng cho dân, giữ nước cũng là cho dân. Nhưng rừng có thể tái tạo được, dù rừng trồng không thể bằng rừng tự nhiên. Còn nước thì mình không tự làm ra được.

Cũng có phương pháp lấy nước biển làm nước ngọt, nhưng ông Dương Văn An cho rằng rất tốn kém, điều kiện hiện nay tỉnh chưa thể đáp ứng. Ai cũng biết, mất rừng sẽ làm suy giảm nước ngầm. Nhưng làm hồ cũng là một hình thức tích tụ nước mặt, làm tăng mực nước ngầm. Khi đề xuất dự án này, tỉnh và các đơn vị liên quan lựa chọn phương án ít tác động nhất, nhưng đem lại hiệu quả cao.

Bí thư Bình Thuận: Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng cho dân - 4

Dòng sông Bà Bích dự kiến được ngăn đập để tích nước cho hồ Ka Pét (Ảnh: Phước Tuần).

Người đứng đầu Đảng bộ Bình Thuận nhấn mạnh nông nghiệp là ngành "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống", trong đó nước là số một. Dù áp dụng công nghệ gì vẫn cần nước, vấn đề là dùng ít hay nhiều.

Mất rừng ai cũng tiếc, nhưng không thể để cuộc sống người dân khốn khó vì thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Do vậy quá trình đề xuất thay đổi chủ trương đầu tư năm 2023, tỉnh đã cố gắng giảm diện tích rừng đặc dụng xuống thấp nhất, từ hơn 162,7 ha xuống còn khoảng 137 ha.

Dẫn chứng câu chuyện cần nước, Bí thư Dương Văn An cho biết huyện Hàm Thuận Nam và khu vực lân cận hiện khai thác 100% công suất các công trình thủy lợi trong khu vực nhưng chỉ tưới được khoảng 15% diện tích sản xuất nông nghiệp. Mùa khô hàng năm, ở vùng thiếu nước của huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh chỉ đạo mỗi tháng các hộ dân chỉ tưới một lần cho hàng nghìn ha thanh long, mục tiêu để cây sống chứ không dám cho ra trái vì không đủ nước.

Ông Dương Văn An chia sẻ dự án hồ chứa nước Ka Pét có từ năm 1995, được Bộ NN&PTNT khảo sát, quy hoạch ở vị trí này. Năm 2013, Bình Thuận vẫn giữ hồ Ka Pét khi phê duyệt quy hoạch thủy lợi thời kỳ 2010-2020, tầm nhìn đến 2030.

5 năm sau, Bộ NN&PTNT tiếp tục đưa hồ Ka Pét vào quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Đông Nam Bộ giai đoạn đến 2030, định hướng 2050.

Tháng 7, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó có hồ Ka Pét.

Như vậy, hồ Ka Pét được tỉnh và Trung ương có quy hoạch từ rất sớm. Dự án đã được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu năm 2019. Tháng 6 vừa qua, Quốc hội phê duyệt điều chỉnh tại Nghị quyết 101, chấp thuận tăng vốn dự án thêm hơn 200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Bí thư Bình Thuận: Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng cho dân - 5