1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vì sao tuyến kênh hơn 4.300 tỷ đồng vỡ toác?

Trần Lê

(Dân trí) - Liên quan đến sự cố tuyến kênh hơn 4.300 tỷ đồng đoạn qua địa phận huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) bị đứt gãy, vỡ toác, bước đầu, ngành chức năng đã xác định nguyên nhân của sự cố.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có thông tin về sự cố vỡ kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã, thuộc dự án hồ chứa nước Cửa Đạt, tỉnh Thanh Hóa.

Vì sao tuyến kênh hơn 4.300 tỷ đồng vỡ toác? - 1
Bộ NN&PTNT vừa nêu nguyên nhân xảy ra sự cố vỡ kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã.

Theo đó, sau khi nhận được thông tin về sự cố vỡ kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã thuộc dự án hồ chứa nước Cửa Đạt, tỉnh Thanh Hóa, sáng ngày 29/12, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT; UBND tỉnh Thanh Hóa và các chuyên gia đã đi kiểm tra, đánh giá tình hình thực tế để làm rõ nguyên nhân và kịp thời chỉ đạo các giải pháp khắc phục.

Theo Bộ NN&PTNT, dự án hồ chứa nước nước Cửa Đạt gồm 2 hạng mục công trình: Đập đầu mối và hệ thống kênh chính. Hợp phần công trình đầu mối hoàn thành vào tháng 11/2010 và hợp phần hệ thống kênh chính hoàn thành toàn bộ vào năm 2017.

Trong đó, hợp phần hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã thuộc dự án hồ chứa nước Cửa Đạt, tỉnh Thanh Hóa được Bộ NN&PTNT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2542/QĐ-BNN-XD ngày 26/10/2011.

Đoạn kênh bị vỡ có chiều dài 70m (từ vị trí K5+170 đến K5+240), thuộc hạng mục cầu máng Sông Âm trên kênh chính Bắc sông Chu - Nam sông Mã. Đoạn kênh này được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2013 và chính thức được bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2014.

Vì sao tuyến kênh hơn 4.300 tỷ đồng vỡ toác? - 2
Đoạn kênh này được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2013 và chính thức được bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2014.

Trong hơn 6 năm, hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã đã vận hành đảm bảo đúng năng lực thiết kế, phát huy tốt hiệu quả cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, chống hạn, dân sinh và chưa có sự cố.

Tuy nhiên, vào khoảng 9h45 ngày 27/12/2020, tại vị trí K.5+170 đến K5+240 đã xảy ra sự cố trượt khối đất dưới đáy kênh, dẫn đến vỡ kênh.

Về nguyên nhân xảy ra sự cố: Đánh giá sơ bộ ban đầu cho thấy, đoạn kênh nằm trên nền địa chất có cấu trúc phức tạp, một bên là núi, một bên là suối, đất đào và đất đắp không đồng nhất. Đặc biệt, đây là đoạn kênh đắp nổi, chiều cao lớn (khoảng 6-7m), nằm trên lớp đá phong hóa và có cung trượt phức tạp.

Vì sao tuyến kênh hơn 4.300 tỷ đồng vỡ toác? - 3
Bộ NN&PTNT nhận định, đoạn kênh nằm trên nền địa chất có cấu trúc phức tạp, một bên là núi, một bên là suối, đất đào và đất đắp không đồng nhất.

Về giải pháp trước mắt, Bộ NN&PTNT giao đơn vị quản lý khai thác khẩn trương khắc phục ngay sự cố, đảm bảo đủ điều kiện cấp nước phục vụ sản xuất vụ xuân năm 2021 đúng thời vụ. Đồng thời cần nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương để rà soát, đánh giá, đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố gây ra.

Về lâu dài, yêu cầu, các đơn vị quản lý, vận hành thực hiện việc đánh giá lại toàn bộ tuyến kênh chính cũng như công trình đầu mối, kịp thời phát hiện các vấn đề có nguy cơ, tránh xảy ra sự cố tương tự. Mặt khác, rà soát quy trình vận hành, chế độ bảo dưỡng, sửa chữa, duy tu và các điều kiện địa chất khí hậu và chế độ thủy văn, thủy lực tác động đến hệ thống.

Trước đó như Dân trí đã thông tin, vào lúc 9h45 ngày 27/12, trong quá trình vận hành kênh chính thuộc hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã để phục vụ sản xuất, đã xảy ra sự cố vỡ kênh chính đoạn từ K5+170 đến K5+240, thuộc địa phận giáp ranh giữa xã Phùng Giáo và Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa).

Sự cố vỡ kênh đã khiến một khối lượng lớn đất, đá bị xói lở trôi xuống, vùi lấp nhiều diện tích đất sản xuất và gia cầm của người dân ở khu vực hạ lưu hiện trường đứt, gãy kênh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm