1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vì sao Hải Dương không "ngăn sông cấm chợ" với Bắc Ninh, Bắc Giang?

(Dân trí) - Mặc dù giáp ranh với tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, là 2 địa phương có diễn biến dịch Covid-19 phức tạp nhất cả nước, nhưng Hải Dương vẫn không thực hiện các biện pháp như "ngăn sông cấm chợ".

Liên quan đến diễn biến dịch Covid-19 ở tỉnh Hải Dương và công tác phòng ngừa dịch bệnh khi 2 tỉnh giáp ranh là Bắc Ninh, Bắc Giang đang có số lượng ca Covid-19 lớn nhất cả nước, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương.

- Thưa ông, tình hình dịch ở Hải Dương đang có diễn biến và dự kiến ứng phó với những nguồn lây như thế nào?

- Tính đến chiều 28/5, toàn tỉnh Hải Dương ghi nhận được 46 trường hợp mắc Covid-19, trong đó: TP Chí Linh 4 ca, TP Hải Dương 40 ca, huyện Tứ Kỳ 1 ca, huyện Ninh Giang 1 ca. 

Đến nay chúng tôi đã xác định nguồn lây của các ca bệnh nói trên, gồm: Bệnh Viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương; Bệnh viện K Trung ương; nhóm nhập cảnh qua đường hàng không được các cơ quan của Trung ương và địa phương chấp thuận cho phép cách ly tại các khách sạn trên địa bàn Hải Dương; nguồn lây từ đối tượng nhập cảnh trái phép từ Lào về Việt Nam; liên quan đến 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, là 2 địa phương liền kề với Hải Dương.

Khi xác định được các nguồn lây nói trên, chúng tôi đều có những giải pháp cụ thể đối với từng nguồn lây để khống chế dịch. Chính vì vậy, mặc dù có nhiều nguồn lây, nhưng đến thời điểm này Hải Dương vẫn kiểm soát được và luôn chủ động trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Chúng tôi cũng đúc rút được những kinh nghiệm nhất định trong công tác phòng chống dịch từ đợt dịch trước. Do đó, tất cả hệ thống chống dịch của chúng tôi luôn duy trì ở mức độ cảnh giác cao, hệ thống điều trị từ tỉnh xuống cơ sở luôn luôn thường trực để ứng phó khi có dịch xảy ra.

Vì sao Hải Dương không ngăn sông cấm chợ với Bắc Ninh, Bắc Giang? - 1

Ông Nguyễn Minh Hùng trao đổi với phóng viên Dân trí.

- Trong "làn sóng dịch lần thứ 3" xảy ra vào cuối tháng 1/2021 và kéo dài hơn một tháng, Hải Dương là địa phương phải hứng chịu nặng nề nhất, với tổng số hơn 720 ca bệnh. Thời điểm đó, một số địa phương lân cận đã áp dụng các giải pháp kiểm soát người và phương tiện từ Hải Dương rất chặt chẽ nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch, nhưng điều này lại gây khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng đến sản xuất. Hiện nay, 2 tỉnh lân cận với Hải Dương là Bắc Giang, Bắc Ninh đang có số ca mắc Covid-19 lớn nhất cả nước, vậy Hải Dương kiểm soát người và phương tiện đến từ 2 tỉnh này như thế nào?

- Liên quan đến đợt dịch thứ 3, khi Hải Dương bùng phát dịch, việc lưu thông hàng hóa có những khó khăn nhất định. Việc này chúng tôi cũng đã báo cáo với Trung ương và cũng làm việc với các tỉnh bạn, những bước khó khăn ban đầu cũng được giải quyết từng bước một và sau đó việc lưu thông hàng hóa được quay trở lại. Từ đó, đảm bảo cho Hải Dương vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Đây là kinh nghiệm thực tiễn trong phòng chống dịch đợt 3 của chúng tôi.

Chính vì vậy, hiện nay khi các tỉnh bạn có tình hình dịch phức tạp xảy ra, chúng tôi đã thấu hiểu điều này và chia sẻ với họ. Vì trong quá khứ chúng tôi đã trải qua rồi, được Trung ương và các tỉnh bạn giúp đỡ. Chính vì vậy, bây giờ Hải Dương cũng sẽ có trách nhiệm và trách nhiệm rất cao trong việc hỗ trợ giúp đỡ các tỉnh bạn vượt qua khó khăn ở giai đoạn dịch bệnh phức tạp này.

Các chốt kiểm soát về y tế, ngăn ngừa phòng dịch đối với tỉnh bạn, chúng tôi vẫn phải thiết lập theo quy định. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tạo điều kiện cho các phương tiện chuyên chở hàng hóa lưu thông, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng chống dịch, hàng hóa liên quan đến xuất, nhập khẩu đều được ưu tiên. Các phương tiện khác trên cơ sở quy định của Bộ Y tế, của tỉnh Hải Dương chúng tôi vẫn áp dụng, để làm sao công tác phòng chống dịch được chủ động, tránh dịch lây lan ra địa bàn tỉnh Hải Dương cũng như trách nhiệm của Hải Dương đối với các tỉnh khác.

Với các tỉnh bạn có dịch chúng tôi cũng có chia sẻ về kinh nghiệm phòng chống dịch; hỗ trợ nhân lực trong việc lấy mẫu xét nghiệm; hỗ trợ về kinh phí trong điều kiện tỉnh tôi có thể chuẩn bị được. Chúng tôi luôn sẵn sàng và ủng hộ các tỉnh bạn với tâm thế trách nhiệm chia sẻ cao.

Vì sao Hải Dương không ngăn sông cấm chợ với Bắc Ninh, Bắc Giang? - 2

Chiều 16/2, TP Hải Phòng đã yêu cầu dừng tiếp nhận người và hàng hóa đến từ tỉnh Hải Dương, gây khó khăn rất lớn trong việc lưu thông hàng hóa. 

- Trước tình hình dịch bệnh có diễn biến mới, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, "chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất". Vậy Hải Dương đang thực hiện công việc này như thế nào?

- Hiện nay tình hình dịch Covid-19 ở Hải Dương vẫn trong tầm kiểm soát, chưa phức tạp như Bắc Giang, Bắc Ninh. Do đó, hiện nay chúng tôi chủ yếu phòng là chính, nhưng riêng với TP Hải Dương chúng tôi đã chuyển sang tấn công để khoanh vùng gọn, trên cơ sở vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Việc truy vết để xác định nguồn lây rất quan trọng, bởi nếu xác định được nguồn lây thì các biện pháp phòng chống dịch nó sẽ đơn giản đi nhiều và không làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế và đời sống của người dân.

Chính vì vậy, khi xuất hiện ca bệnh mới, việc quan tâm đầu tiên là truy vết thật nhanh. Thực tiễn ở Hải Dương đã có trường hợp phát hiện ra ca bệnh nhưng chưa rõ nguồn lây, như đợt dịch lần thứ 3 có trường hợp của bệnh nhân N.T.Th. (SN 1969, trú tại phường Hải Tân, TP Hải Dương) ban đầu không rõ nguồn lây do người này khai báo quanh co. Lúc đó, tỉnh Hải Dương đã tính đến phải phong tỏa cả TP Hải Dương, nhưng sau tìm được nguồn lây nên không phải phong tỏa. 

- Xin cảm ơn ông!