Vì sao Hà Nội chưa thể hủy kết quả đấu giá 3 mỏ cát "khủng"?
(Dân trí) - Cuộc đấu giá 3 mỏ cát "khủng" ở Hà Nội với giá trúng gần 1.700 tỷ đồng gây ồn ào dư luận thời gian dài. Vì sao đến nay Hà Nội chưa thể hủy kết quả cuộc đấu giá này?
Theo nguồn tin của phóng viên Dân trí, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Tư pháp về quá trình tổ chức đấu giá 3 mỏ cát có kết quả trúng đấu giá lên tới gần 1.700 tỷ đồng.
Bộ Tư pháp đã nghiên cứu hồ sơ, rà soát các quy định liên quan để trả lời Hà Nội về mặt nguyên tắc áp dụng dựa trên các quy định hiện hành của Luật Đấu giá tài sản.
"Muốn hủy kết quả cuộc đấu giá đó phải có căn cứ, chứ không phải muốn hủy là hủy được đâu", nguồn tin cho hay.
Quan sát sự việc suốt thời gian qua, một chuyên gia về đấu giá tài sản thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam khẳng định việc hủy kết quả đấu giá đã được quy định rất rõ tại Điều 72 Luật Đấu giá tài sản 2016.
Kết quả đấu giá 3 mỏ cát chỉ bị hủy khi cơ quan thẩm quyền của Hà Nội có căn cứ hoặc kết luận thuộc một trong 5 trường hợp quy định tại Điều 72 Luật Đấu giá tài sản.
Trường hợp 1: Theo thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản và người trúng đấu giá về việc hủy kết quả đấu giá tài sản hoặc giữa người có tài sản đấu giá và người trúng đấu giá về việc hủy giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá…
Trường hợp 2: Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá bị tòa án tuyên bố vô hiệu theo quy định của pháp luật về dân sự trong trường hợp người trúng đấu giá có hành vi thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.
Trường hợp 3: Người có tài sản đấu giá hủy bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản khi có một trong các căn cứ như: Tổ chức không có chức năng hoạt động đấu giá tài sản mà tiến hành cuộc đấu giá hoặc cá nhân không phải là đấu giá viên mà điều hành cuộc đấu giá; tổ chức đấu giá tài sản cố tình cho phép người không đủ điều kiện tham gia đấu giá; tổ chức đấu giá tài sản thông đồng, móc nối với người tham gia đấu giá…
Trường hợp 4: Người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên có hành vi thông đồng, móc nối, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá dẫn đến làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá hoặc hồ sơ tham gia đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản
Trường hợp 5: Theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp đấu giá tài sản Nhà nước khi có một trong các căn cứ đã nêu tại trường hợp 3 trên đây.
Đến nay, kết quả cuộc đấu giá chưa bị hủy bỏ do chưa hội đủ các yếu tố, điều kiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản nêu trên. Hơn nữa, cuộc đấu giá đã được tiến hành xong, biên bản đấu giá đã được lập, ký duyệt và báo cáo UBND TP Hà Nội.
Vì thế, thẩm quyền ký quyết định hủy bỏ kết quả đấu giá thuộc về Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, thời gian qua 3 doanh nghiệp trúng đấu giá đều bày tỏ quan điểm không đồng ý hủy kết quả đấu giá và đang tiếp tục đề nghị Hà Nội phê duyệt kết quả trúng đấu giá để nộp đủ tiền.
Đại diện Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam (công ty tổ chức cuộc đấu giá) cũng nói đến nay chưa nhận được thông tin mới về sự việc từ cơ quan thẩm quyền của Hà Nội.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi UBND TP Hà Nội cho biết đã nhận được đề nghị của 3 công ty (Công ty TNHH Đầu tư Thương mại dịch vụ KSP, Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh và Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Việt Sơn) đề nghị phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát.
Văn phòng Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội xem xét, xử lý vụ việc theo thẩm quyền.
Cuộc đấu giá 3 mỏ cát diễn ra vào ngày 5-6/11/2023 tại Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, dưới sự giám sát, kiểm soát của nhiều lực lượng chức năng, trong đó có công an. Tổng số tiền thu được từ đấu giá 3 mỏ cát lên tới gần 1.700 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty Việt Sơn trúng đấu giá mỏ cát Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì) trữ lượng 703.500m3 với giá gần 397 tỷ đồng.
Công ty KSP trúng đấu giá mỏ Liên Mạc (phường Thượng Cát, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) có trữ lượng hơn 508.600m3 với giá trên 408 tỷ đồng.
Công ty Phúc Lộc Thịnh trúng đấu giá mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu (xã Minh Châu và xã Chu Minh, huyện Ba Vì) có trữ lượng cát gần 5 triệu m3, giá trúng đấu giá gần 884 tỷ đồng.
Giá trúng đấu giá các mỏ cát cao gấp hàng trăm lần so với giá khởi điểm đã gây ồn ào dư luận suốt thời gian dài. Đến nay, UBND TP Hà Nội chưa công nhận kết quả đấu giá và cũng chưa có kết luận cuối cùng về sự việc.