Công ty tổ chức đấu giá 3 mỏ cát thu gần 1.700 tỷ đồng lần đầu lên tiếng
(Dân trí) - Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam báo cáo Sở Tư pháp Hà Nội toàn bộ thông tin về quá trình thực hiện, kết quả đấu giá 3 mỏ cát "khủng" thu về gần 1.700 tỷ đồng, đang xôn xao dư luận.
Theo nguồn tin của phóng viên Dân trí, Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam (trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) vừa báo cáo Sở Tư pháp Hà Nội toàn bộ thông tin về quá trình thực hiện và kết quả đấu giá 3 mỏ cát Châu Sơn, Tây Đằng - Minh Châu và Liên Mạc (Thượng Cát), thu về gần 1.700 tỷ đồng.
Việc này được thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Hà Nội rà soát toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, làm hồ sơ và tổ chức đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát này.
Công ty đấu giá trên khẳng định nội dung thông báo đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được đăng tải công khai trên báo theo quy định; niêm yết việc đấu giá tài sản tại văn phòng công ty, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội, UBND xã/phường nơi có mỏ khoáng sản đấu giá (UBND xã Châu Sơn, UBND thị trấn Tây Đằng, UBND xã Minh Châu và UBND xã Chu Minh, đều thuộc huyện Ba Vì; UBND phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm).
Thông báo đấu giá quyền khai thác khoáng sản cũng được đăng tải trên website của công ty này và trang thông tin điện tử về tài sản công (http://taisancong.vn).
299 hồ sơ đấu giá đã được bán ra, trong đó mỏ cát Châu Sơn có 107 hồ sơ, mỏ Tây Đằng - Minh Châu có 91 hồ sơ, mỏ cát Liên Mạc (Thượng Cát) có 101 hồ sơ. Số tiền bán hồ sơ thu được trên 149 triệu đồng.
Toàn bộ hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân được để trong túi (hộp) đựng hồ sơ, có dán niêm phong do Công ty Đấu giá Hợp danh Bắc Trung Nam lưu giữ, bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội vào sáng 3/11 thực hiện xét chọn hồ sơ đủ điều kiện tham gia cuộc đấu giá.
Kết quả, mỏ cát Châu Sơn có 29 khách hàng đủ điều kiện tham gia đấu giá, mỏ Tây Đằng - Minh Châu có 28 khách hàng và mỏ Liên Mạc (Thượng Cát) có 16 khách hàng đủ điều kiện tham gia.
Cuộc đấu giá bắt đầu làm thủ tục vào 8h sáng ngày 5/11, diễn ra xuyên đêm đến 6h ngày 6/11 thì kết thúc.
Trải qua 89 vòng đấu giá, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Sơn (trụ sở phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã trúng đấu giá mỏ cát Châu Sơn với mức trên 396,86 tỷ đồng.
Mỏ cát Liên Mạc (Thượng Cát) trải qua 53 vòng đấu giá, Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ KSP (phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội) trúng đấu giá với mức gần 408,5 tỷ đồng.
Mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu trải qua 21 vòng đấu giá, Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh (xã Mai Động, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) trúng đấu giá với mức trên 883,9 tỷ đồng.
Sau khi cuộc đấu giá kết thúc, công ty đấu giá đã báo cáo Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội đề nghị phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xem xét, làm các thủ tục trình UBND TP Hà Nội công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 mỏ cát trên.
"Chậm nhất 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá, Cục Thuế thông báo cho tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật", công ty này cho hay.
Theo quy định hiện hành, quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá của UBND TP Hà Nội là căn cứ pháp lý để cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản cho doanh nghiệp trúng đấu giá.
Sau khi có giấy phép này, doanh nghiệp trúng đấu giá còn phải thực hiện hàng loạt các công việc khác, trong đó có đền bù, giải phóng mặt bằng - nếu trên mỏ cát có diện tích đất đang được người dân canh tác, sản xuất.
Đến ngày 16/11, UBND TP Hà Nội chưa ban hành quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá 3 mỏ cát nêu trên.
Thủ tướng chỉ đạo rà soát
Như Dân trí thông tin, trong chỉ đạo mới đây Thủ tướng Chính phủ nhắc đến vụ việc trên địa bàn Hà Nội, kết quả trúng đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát Liên Mạc, Châu Sơn và Tây Đằng - Minh Châu cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có yếu tố bất thường.
Đây là việc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường vật liệu xây dựng.
Để công tác quản lý khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật, Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch Hà Nội rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, làm hồ sơ và tổ chức đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát.
Yêu cầu được lãnh đạo Chính phủ đưa ra là bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.