Doanh nghiệp trúng đấu giá 3 mỏ cát nghìn tỷ không đồng ý hủy kết quả
(Dân trí) - 3 doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát "khủng" ở Hà Nội không đồng ý hủy kết quả đấu giá và đề nghị công nhận kết quả để nộp đủ gần 1.700 tỷ đồng theo quy định.
Sáng 14/8, thông tin với báo chí, đại diện các doanh nghiệp trúng đấu giá 3 mỏ cát "khủng" ở Hà Nội ồn ào suốt thời gian dài khẳng định đang tiếp tục đề nghị UBND TP Hà Nội sớm phê duyệt kết quả đấu giá.
"Chúng tôi đã sẵn sàng nguồn tài chính để nộp đủ số tiền trúng đấu giá theo quy định", đại diện doanh nghiệp cho hay.
Đại diện công ty đấu giá 3 mỏ cát cũng khẳng định, cuộc đấu giá diễn ra tại Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vào ngày 5-6/11/2023 được thực hiện rất chặt chẽ, với sự giám sát, kiểm soát của công an và nhiều lực lượng chức năng. Tổng số tiền thu được từ đấu giá 3 mỏ cát lên tới gần 1.700 tỷ đồng.
"Đến nay, kết quả cuộc đấu giá chưa hề bị hủy bỏ. Các doanh nghiệp đều mong muốn Hà Nội sớm công nhận kết quả đấu giá để còn triển khai các bước công việc tiếp theo", đại diện công ty đấu giá thông tin với phóng viên Dân trí.
Liên quan đến sự việc, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội cho biết đã nhận được đề nghị của 3 công ty (Công ty TNHH Đầu tư Thương mại dịch vụ KSP, Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh và Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Việt Sơn) đề nghị phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát.
Văn phòng Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội xem xét, xử lý vụ việc theo thẩm quyền.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, 3 doanh nghiệp trên đều khẳng định đã tham gia và trúng đấu giá đúng theo các quy định của Luật Khoáng sản, Luật Đấu giá tài sản và quy định pháp luật có liên quan.
Trong đó, Công ty Việt Sơn trúng đấu giá mỏ cát Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì) có trữ lượng 703.500m3 với giá gần 397 tỷ đồng.
Công ty KSP trúng đấu giá mỏ Liên Mạc (phường Thượng Cát, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) có trữ lượng 508.603m3 với giá trên 408 tỷ đồng.
Công ty Phúc Lộc Thịnh trúng đấu giá mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu (xã Minh Châu và xã Chu Minh, huyện Ba Vì) có trữ lượng cát 4,899 triệu m3, giá trúng đấu giá gần 884 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, san lấp, thi công các dự án nên có nhu cầu sử dụng hàng triệu m3 cát mỗi năm.
"Chúng tôi có nhu cầu muốn mua cát số lượng lớn và có nguồn gốc (có giấy phép) rõ ràng. Vì vậy, để chủ động nguồn cát, đảm bảo tiến độ thi công các dự án của công ty, chúng tôi quyết định bỏ giá cao (có thể lỗ một chút tại mỏ và sẽ được bù lại tại các dự án)", doanh nghiệp nêu trong văn bản gửi Chính phủ.
3 doanh nghiệp cam kết sau khi được Hà Nội phê duyệt kết quả trúng đấu giá sẽ thực hiện các trình tự, thủ tục theo đúng tiến độ, quy định; nếu làm sai sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chưa đưa ra kết luận cuối cùng về sự việc này.
Như Dân trí thông tin, đầu tháng 5 vừa qua, UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Tài nguyên Môi trường báo cáo kết quả rà soát vụ 3 mỏ cát trên địa bàn trúng đấu giá gấp trăm lần so với khởi điểm hồi tháng 11/2023.
Trong đó, UBND TP Hà Nội cho biết chưa công nhận kết quả đấu giá. Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước đối với kết quả đấu giá 3 mỏ cát; khẩn trương rà soát, thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 mỏ cát trên theo đúng quy định pháp luật.