1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vì sao đợt mưa giông "lạ chưa từng thấy" xuất hiện ở miền Trung?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Đợt mưa lớn ở miền Trung vừa qua do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp trên khu vực Biển Đông, hình thế gây mưa ở khu vực này là điển hình, nhưng xảy ra vào tháng 3 là hiếm gặp.

Liên quan đến đợt mưa giông xảy ra ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên từ ngày 30/3-1/4, gây thiệt hại lớn về tài sản, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.

Xin ông cho biết tình hình mưa lũ ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đang diễn ra như thế nào? Đây là có phải là đợt mưa diễn ra bất thường, không theo quy luật nhiều năm?

Từ chiều ngày 30/3-1/4, khu vực các tỉnh Trung Bộ, các tỉnh Tây Nguyên đã xuất hiện một đợt mưa to, có nơi mưa rất to. Ở khu vực từ Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có lượng mưa phổ biến từ 100-250 mm; các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, lượng mưa phổ biến từ 250-300 mm, có nơi lớn hơn như A Lưới (Thừa Thiên Huế) 465 mm, Quảng Ngãi 307 mm…

Vì sao đợt mưa giông lạ chưa từng thấy xuất hiện ở miền Trung? - 1

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Ảnh: Nguyễn Dương).

Ngày 31/3 là ngày có mưa lớn nhất. Một số nơi như A Lưới - Thừa Thiên Huế lên tới 256 mm, Quảng Ngãi là 218 mm, An Nhơn là 136 mm, Quy Nhơn là 178 mm, đều là những lượng mưa cao kỷ lục từ trước tới giờ trong tháng 3 (kỷ lục cũ của A Lưới là 96 mm, vào năm 2015; Quảng Ngãi là 124 mm, năm 1991, An Nhơn là 36 mm năm 2010 - PV).

Nguyên nhân của đợt mưa này là do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp trên khu vực Biển Đông, hình thế gây mưa này ở miền Trung là điển hình, nhưng xảy ra vào tháng 3 là hiếm gặp.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã dự báo và đưa ra cảnh báo như thế nào về đợt mưa này?

Từ chiều 28/3, trước thời điểm xảy ra mưa lớn 2 ngày, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Trung tâm) đã ban hành bản tin đầu tiên về mưa lớn ở Trung Bộ và Tây Nguyên, trong bản tin đầu tiên đưa ra dự báo: Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với hoàn lưu của vùng áp thấp có xu hướng dịch chuyển về phía đất liền sau kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh nên từ ngày 30/3 đến ngày 2/4, ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa dự báo ở các khu vực từ 150-350 mm, có nơi trên 400 mm.

Thực tế cho thấy, từ chiều 30/3 đến ngày 1/4, do ảnh hưởng hoàn lưu của vùng áp thấp, sau đó kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có mưa rất to phổ biến 150-300 mm, có nơi trên 300 mm; Ninh Thuận, Bình Thuận và Tây Nguyên 70-150 mm, có nơi trên 150 mm; từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị 50-100 mm, có nơi trên 100 mm. 

Ngoài ra, trong các bản tin còn cảnh báo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh kèm theo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông khu vực Trung Bộ.

Vì sao đợt mưa giông lạ chưa từng thấy xuất hiện ở miền Trung? - 2

Mưa lớn những ngày qua đã khiến nhiều tuyến đường ở Quảng Ngãi ngập sâu (Ảnh: Quốc Triều).

Trên biển, ngay từ sáng 29/3, Trung tâm đã ban hành bản tin thời tiết nguy hiểm trong đó có cảnh báo mưa giông, gió giật mạnh do ảnh hưởng của vùng áp thấp. Chiều 30/3, Trung tâm đánh giá và đưa ra bản tin dự báo vùng áp thấp có khả năng gây mưa giông mạnh, gió giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3 m cho vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận. Các bản thời tiết nguy hiểm trên biển và bản tin thời tiết biển đều đưa ra cảnh báo nguy hiểm về gió giật mạnh, sóng lớn tập trung trong đêm 30/3 đến ngày 31/3.

Trên cơ sở dự báo của Trung tâm, các đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên cũng đã đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, thời tiết nguy hiểm trên biển, nhấn mạnh về tác động của mưa, gió mạnh và sóng lớn đối với các khu vực ven biển.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã ra công văn số 167/VPTT về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Vì sao đợt mưa giông lạ chưa từng thấy xuất hiện ở miền Trung? - 3

Người dân Phú Yên lần đầu tiên gặp mưa to, gió lớn bất thường không kịp trở tay, khiến họ chịu thiệt hại nặng nề về tài sản (Ảnh: Trung Thi).

Trong tháng 4, khu vực miền Trung có xuất hiện thêm những đợt mưa lớn nào khác không, thưa ông?

- Dự báo của chúng tôi đây là đợt mưa lớn nhất của tháng 3 và đầu tháng 4/2022. Trong tháng 4 là tháng giao mùa, giai đoạn này trên hầu khắp các khu vực cả nước ta thường xuất hiện các đợt mưa giông chuyển mùa. Mưa giông trong giai đoạn này thường kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ngoài nguy cơ về khả năng xuất hiện lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh trên đất liền, chúng tôi cũng cảnh báo về tình trạng thời tiết xấu gió mạnh, sóng cao vẫn còn đang duy trì trên nhiều khu vực Biển Đông.

Xin cảm ơn ông!