"Ăn xong bát cơm sáng, tôi mất trắng 2 tỷ đồng"
(Dân trí) - "Tôi vừa neo đậu chừng 2 giờ để về ăn bát cơm sáng, quay ra đã thấy sóng đánh tan nát cả thuyền, cả tôm trị giá hơn 2 tỷ đồng. Giờ nhặt được cái nào bán nhôm sắt thì bán" - anh Đồng chua xót nói.
Từ rạng sáng ngày 31/3, tại tỉnh Phú Yên xuất hiện mưa to, gió lớn bất thường và đạt đỉnh vào khoảng từ 5h đến 7h cùng ngày, nhiều nơi ghi nhận có các đợt sóng cao 2-3m.
Do mưa gió trái mùa nên hầu hết người dân ở tỉnh Phú Yên bị động, tàu thuyền không đưa vào các âu thuyền tránh trú, lồng nuôi tôm hùm chằng chống ít kỹ lưỡng dẫn đến hư hỏng, thiệt hại lên đến hơn 100 tỷ đồng.
Thất thần nhìn con tàu tiền tỷ bị sóng đánh tan nát, anh Phạm Minh Đồng trú thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải (huyện Tuy An, Phú Yên) chia sẻ: Con tàu này có công suất 90 CV, trị giá hơn một tỷ đồng. Con tàu là "cần câu cơm" để anh nuôi 5 miệng ăn trong gia đình. Nhưng không ngờ chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ đã bị sóng đánh tan nát.
"Nghĩ sóng nhỏ thôi, ai ngờ nó to bất thường giữa ngày hè. Tôi vừa chạy vào bờ neo đậu chừng 2 giờ đồng hồ để về ăn bát cơm sáng, quay ra đã thấy sóng đánh tan nát cả thuyền, cả tôm trị giá hơn 2 tỷ đồng. Giờ chỉ nhặt được cái nào bán nhôm sắt thì bán, chứ chẳng còn gì cả!" - anh Đồng chua xót nói.
Ngoài tàu bị hư hỏng, anh Đồng còn nuôi 30 lồng tôm hùm trị giá hơn một tỷ đồng cũng bị sóng đánh chìm, hư hỏng gây thất thoát tất cả số tôm.
Cũng mất tiền tỷ vì thời tiết cực đoan, ông Đinh Hữu Lực trú xã An Hòa Hải cho biết, gia đình ông nuôi 10.000 con tôm hùm. Ông nghĩ chỉ là chuyển trời mưa gió nhỏ nên không chằng chống các lồng nuôi cẩn thận, hậu quả thất thoát khoảng 7.000 con tôm.
"Cứ mỗi con tôm hùm bông giống như vậy là trị giá 150.000 đồng, mà tôi mất 7.000 con là hơn một tỷ đồng. Tôi mong được nhà nước quan tâm, có chính sách giãn nợ, khoanh nợ và vay mới để bà con có điều kiện tái sản xuất", ông Lực mong muốn.
Theo ông Huỳnh Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, toàn huyện có ít nhất 33 tàu thuyền bị chìm, đánh hư hỏng do sóng lớn. Mưa gió bất thường cũng làm 600.000 con tôm hùm ươm ở xã An Hòa Hải bị sóng đánh vỡ, mất trắng; hơn 100 bè nuôi tôm hùm ươm ở xã An Ninh Đông bị trôi dạt vào bờ, hư hỏng nặng, ước tính thiệt hại khoảng 125 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND huyện Tuy An cũng cho biết, địa phương đang tổ chức tìm kiếm 2 người mất tích do chìm tàu.
Còn theo ông Nguyễn Trọng Tùng - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, hiện đã có hơn 90 tàu thuyền đánh cá ở tỉnh này bị sóng biển đánh chìm.
Trong đó, xã An Phú, TP Tuy Hòa bị thiệt hại nặng nhất với 30 tàu thuyền. Mưa to gió mạnh bất thường cũng đã làm hơn 10 nghìn ha lúa đông xuân ở tỉnh này bị ngập nước, ngã đổ, có nguy cơ mất trắng.
Ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đánh giá: "Mưa lũ, lốc xoáy như thế này là rất bất thường với Phú Yên trong nhiều năm qua. Mặc dù đã được cảnh báo, người dân có biện pháp phòng ngừa như hạ lồng xuống đáy, kéo ghe thuyền vào nơi neo đậu, nhưng người dân cũng bất ngờ với diễn biến của thiên tai như thế này. Đặc biệt, sóng và dòng chảy ngầm khiến những lồng tôm chìm 10m vẫn bị xoáy và đánh tan".
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, để hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai, tỉnh sẽ làm việc với các ngân hàng để khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất ngân hàng để người dân tái sản xuất.
Giông lốc nhấn chìm hàng loạt tàu thuyền ở Khánh Hòa, Bình Định
Chiều 31/3, ông Nguyễn Ngọc Ý - Phó ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) cho biết, khoảng 4h sáng cùng ngày, một cơn giông lốc lớn kéo về khu vực dọc biển Vạn Ninh khiến ít nhất 27 tàu cá của người dân bị sóng đánh hư hỏng nặng, trong đó xã Đại Lãnh 13 tàu và xã Vạn Long 14 tàu.
Hiện chưa ghi nhận có thiệt hại về người sau trận giông lốc.
Cũng trong chiều 31/3, ông Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết, từ sáng cùng ngày, sóng bắt đầu lớn đã nhấn chìm hơn 20 tàu, thuyền của bà con ngư dân đang neo đậu tại khu vực bãi biển của xã.
Ngay khi nhận được thông tin, xã đã điều các lực lượng đến khu vực bãi biển hỗ trợ người dân. Trong thời điểm sóng lớn, người dân được khuyến cáo không tự ý ra ghe, thuyền, chờ lực lượng chức năng được huy động đến hỗ trợ trục vớt, tìm kiếm.
Theo thống kê ban đầu, có một ca nô du lịch, 2 bè cá của người dân bị sóng lớn đánh hư hỏng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, có khoảng hơn 20 tàu cá của ngư dân địa phương bị chìm, trong đó nhiều tàu bị sóng lớn đánh bay lên gành đá làm gãy, vỡ thân tàu.