1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vì sao doanh nghiệp chần chừ giảm giá xăng?

(Dân trí) - Giá dầu thế giới đã giảm xuống mức 78 USD/thùng, nhưng các DN kinh doanh xăng dầu trong nước vẫn bình chân như vại, khiến người dân có cảm giác đang bị “móc túi”. Đại diện Petrolimex cho biết vừa nhận được thông báo tăng thuế nhập khẩu xăng dầu kể từ ngày 15/10 tới.

Theo ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex): “Tôi vừa mới nhận được thông báo sẽ có điều chỉnh thuế. Hiện nay vẫn chưa nhận được văn bản chính thức; tuy nhiên, dự kiến từ ngày 15/10, thuế nhập khẩu xăng sẽ tăng từ 5% lên 10%; diezen từ 0% lên 5%; dầu hoả từ 5% lên 15% và mazút từ 0% lên 7%”.

Trả lời Dân trí về việc giá dầu thô trên thế giới có lúc giảm xuống dưới 80 USD/thùng, tại sao các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối vẫn chưa giảm giá bán lẻ xăng dầu, khiến người dân cảm giác như đang bị “móc túi”?

Ông Dũng cho hay, đó là mức giá giao dịch trên sàn New York và các thị trường khác, chứ không có ngay ở Việt Nam. Việc chúng ta vận hành theo cơ chế thị trường thì phải có điều chỉnh giá hợp lý theo từng thời điểm. Đối với Petrolimex hay các doanh nghiệp (DN) khác, tối thiểu dự trữ lưu thông phải 20 ngày. Trong thời điểm hiện nay, mức giá mà các doanh nghiệp phải tính là trong vòng 20 ngày và trên cơ sở đó sẽ xác định giá đầu vào.

“Chúng ta chỉ tính cái gì mà chúng ta đang có trong tay. Quan điểm của Petrolimex là vận hành theo cơ chế thị trường, đúng chỉ đạo của Nhà nước, điều chỉnh tăng giảm phù hợp theo giá nhập khẩu thế giới. Sau khi có văn bản chính thức từ liên Bộ Tài chính - Công thương về điều chỉnh thuế, căn cứ vào thuế nhập khẩp, giá nhập khẩu và các chi phí kinh doanh, Petrolimex sẽ tính toán để điều chỉnh giá ngay và sẽ tiên phong điều chỉnh giá. Còn thời điểm hiện nay, chúng tôi chưa có quyết định cụ thể”.

Cũng theo tính toán của vị đại diện Petrolimex, tổng số lỗ kinh doanh xăng của doanh nghiệp trong năm 2007 và đến thời điểm này của năm 2008 là 1.800 tỷ đồng. Theo Nghị định 55, mặt hàng xăng Nhà nước không còn bù lỗ. Số lỗ đó sẽ do doanh nghiệp tự cân đối. Với số lỗ trên, nhanh cũng phải 1,5 năm - 2 năm doanh nghiệp mới bù xong lỗ.

Tuy nhiên, không phải là đợi khi nào bù lỗ xong mới giảm giá bán xăng, một mặt doanh nghiệp vẫn tính toán bù đắp dần lỗ trước đây, mặt khác sẽ phải vận hành theo thị trường. “Giá dầu cần phải đảm bảo hài hoà các lợi ích: Doanh nghiệp - Nhà nước - Người tiêu dùng. Dù theo cơ chế nào đi chăng nữa thì cũng đảm bảo yếu tố này. Tuy nhiên trong từng thời điểm, vì mục tiêu này, mục tiêu kia, chúng ta sẽ ưu tiên cái nào trước, cái nào ưu tiên sau”, ông Dũng nói.

Ông Trần Đình Thiên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay: Lập luận chưa giảm giá xăng của các doanh nghiệp hiện nay chưa rõ ràng, thuyết phục. “Có thể lấy lý do này, nhưng phải rõ ràng, doanh nghiệp phải công bố cụ thể về việc bù lỗ bao nhiêu, đến khi nào xong và mỗi lít xăng chịu bao nhiêu tiền bù lỗ để giải thích cho dân và hết thời hạn ấy, doanh nghiệp sẽ giảm giá đến mức nào. Có nhiều phương án khác nhau, có thể kéo dài thời gian ra thì giá xăng không thể cao nhưng nếu muốn bù lỗ thật nhanh, rút ngắn thời gian thì giá xăng phải cao. Hiện nay phải công khai việc này”.

An Hạ