Vì sao đang tinh giản biên chế, VKSND Tối cao lại đề xuất tăng người?
(Dân trí) - Nhắc câu chuyện đúng lúc tinh giản biên chế ta lại đề xuất tăng thêm người, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho rằng có lúc, có chỗ phải tăng, còn chỗ giảm sẽ giảm triệt để.
Chiều 19/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND. Trong dự thảo luật, VKSND Tối cao đề xuất tăng số lượng kiểm sát viên VKSND Tối cao tối đa từ 19 người lên 27 người.
Đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) cho biết theo quy định, TAND cấp cao và VKSND cấp cao sẽ chấm dứt hoạt động. Do đó, toàn bộ khối lượng công việc sẽ được chuyển cho TAND Tối cao và VKSND Tối cao thực hiện.

Đại biểu Quốc hội Lý Văn Huấn (Ảnh: Hồng Phong).
Hiện nay, ở TAND Tối cao đã tổ chức Hội đồng xét xử là các thẩm phán TAND Tối cao. Do đó, phải có kiểm sát viên của VKSND Tối cao tham gia các phiên tòa và tham gia việc giải quyết đơn, đồng thời kiểm sát việc giải quyết các kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của thẩm phán TAND Tối cao.
Vì vậy, việc TAND Tối cao được tăng số lượng lên 27 thành viên thì VKSND cũng phải tăng số lượng lên để đáp ứng được yêu cầu hiện nay trong vấn đề thực hiện nhiệm vụ, theo ông Huấn.
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Long An) cho rằng số lượng tăng như vậy là hợp lý, nhưng đại biểu tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa lại có quan điểm thận trọng hơn.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ảnh: Hồng Phong).
Theo ông, TAND Tối cao có thể thành lập Hội đồng Thẩm phán tối cao để xem xét, giải quyết những bản án phúc thẩm và tái thẩm, giám đốc thẩm, còn VKSND cũng tương đồng việc như vậy, nhưng ông đề nghị phải có giải trình cụ thể về số lượng tăng từ 17 người lên 27 người để đại biểu Quốc hội nắm được.
Làm rõ hơn mối quan tâm của các đại biểu Quốc hội, Viện trưởng VKNSD Tối cao Nguyễn Huy Tiến nhấn mạnh tinh giản biên chế là chủ trương đúng.
Chia sẻ tâm tư trong lúc đang tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy, VKSND Tối cao lại đề xuất tăng thêm người, song ông Tiến cho rằng "có chỗ giảm, nhưng có chỗ phải tăng", và chỗ giảm sẽ phải giảm triệt để.
Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến dẫn lại số liệu dự báo tới đây TAND Tối cao sẽ phải giải quyết khoảng 11.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm/năm; xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khoảng 1.000 vụ/năm.

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến (Ảnh: Hồng Phong).
VKSND Tối cao muốn trả lời đơn sẽ phải nghiên cứu, xem xét xử lý hồ sơ vụ án, chức trách thuộc TAND Tối cao vì mô hình Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thì không thể là kiểm sát viên cao cấp tham gia được, theo lý giải của ông Tiến.
"Nếu không giải quyết được, Quốc hội lại phê bình chúng tôi là không hoàn thành nhiệm vụ", ông Tiến nói và mong đại biểu chia sẻ, ủng hộ đề xuất tăng số lượng kiểm sát viên VKSND Tối cao tối đa từ 19 người thành 27 người.
Trước đó, cơ quan thẩm tra dự thảo luật là Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nêu quan điểm rằng đề xuất tăng số lượng Kiểm sát viên VKSND Tối cao là vấn đề quan trọng.
Kiểm sát viên VKSND Tối cao thuộc diện Ban Bí thư quản lý (hưởng phụ cấp chức vụ 1,25) nên trước đây, khi sửa Luật Tổ chức VKSND vào năm 2014 cũng phải báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền về số lượng kiểm sát viên VKSND Tối cao.
Vì vậy, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện thủ tục xin ý kiến cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.