1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vì sao Đà Nẵng lâm cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng?

(Dân trí) - Sáng 15/11, ông Châu Trần Vĩnh- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường chủ trì buổi làm việc với các công ty khai thác công trình thủy lợi, các nhà máy nước và đại diện các nhà máy thủy điện tại hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng đi tìm lời giải cho tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng vừa qua.

Đoàn công tác của Cục Quản lý tài nguyên nước làm việc về tình trạng thiếu nước tại Đà Nẵng.
Đoàn công tác của Cục Quản lý tài nguyên nước làm việc về tình trạng thiếu nước tại Đà Nẵng.

Thiếu nước sinh hoạt do nước sông nhiễm mặn, thuỷ điện không đủ nước cấp?

Tại buổi làm việc, ông Hồ Hương- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) nói nguyên nhân tình trạng thiếu nước trên diện rộng tại Đà Nẵng vừa qua do độ mặn trên sông Cầu Đỏ tăng đột biến. Thêm vào đó, lượng mưa năm nay thấp kỷ lục, các hồ thuỷ điện ở thượng nguồn không thể xả cấp nước đủ cho nhà máy hoạt động cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh (áo trắng) khảo sát thực tế hoạt động cấp nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ - Đà Nẵng
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh (áo trắng) khảo sát thực tế hoạt động cấp nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ - Đà Nẵng

Cũng theo ông Hương, Trạm bơm An Trạch có 6 máy bơm, trong đó, có 4 máy chạy và 2 máy dự phòng. Trường hợp vận hành đủ 4 máy bơm theo công suất thiết kế thì tổng công suất mỗi ngày đêm đạt từ 196.000 - 217.000 m3. Tuyến ống truyền tải nước thô từ trạm bơm An Trạch về nhà máy nước Cầu Đỏ được thiết kế công suất 210.000 m3/ngày đêm. Do đó, lượng nước thô từ Trạm bơm An Trạch về đến nhà máy nước Cầu Đỏ tối đa chỉ đạt công suất 210.000 m3/ngày đêm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tại Đà Nẵng trung bình mỗi ngày đêm là 270.000 m3.

Trong thời gian nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, nguồn nước thô từ trạm bơm An Trạch về không đủ cung cấp nước sinh hoạt. Nhiều cơ sở kinh doanh, nhà dân tích trữ nước tối đa. Do đó, Dawaco phải cắt nước luân phiên, dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng.

Trong khi đó, Sở TN&MT thành phố ghi nhận trong các ngày cao điểm thiếu nước sinh hoạt ở Đà Nẵng (từ 4-7/11), độ mặn ở Cầu Đỏ duy trì thường xuyên hơn 1.000mg/l, đỉnh điểm có ngày trên 4.300mg/l (trong khi độ mặn cho phép chỉ 250mg/l). Tuy nhiên, Thủy điện Đak Mi đã xả nước qua cổng xả sau thân đập để đáp ứng nhu cầu nguồn nước thô cấp cho TP. Đà Nẵng trong suốt thời kỳ nguồn nước tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn. Nhờ sự phối hợp này đã góp phần nâng mực nước tại đập dâng An Trạch lên trên mực nước chết.

Lượng mưa thấp kỷ lục, các thuỷ điện đều ngang mực nước chết

Theo đại diện các nhà máy thủy điện tại hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, tuy đang là mùa mưa nhưng lượng mưa năm nay thấp kỷ lục nên các đập thuỷ điện hiện đang ngang mực nước chết, thậm chí dưới mực nước chết.

Đang mùa mưa nhưng lượng nước mưa ở thượng nguồn thấp kỷ lục, nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, không đủ nguồn nước thô cho nhà máy nước
Đang mùa mưa nhưng lượng nước mưa ở thượng nguồn thấp kỷ lục, nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, không đủ nguồn nước thô cho nhà máy nước

Theo đại diện thủy điện A Vương, hiện nước tại hồ chứa chỉ cao hơn mực nước chết 1,1m. Thời gian qua, thuỷ điện A Vương có tăng phát để xả cho hạ du nhưng không đáng kể. So với thường niên thì lượng mưa trên lưu vực sông Vu Gia ở thời điểm này thấp nhất từ năm 1977 tới nay.

Còn đại diện Thủy điện Sông Tranh cho biết, lưu lượng về hồ tháng 10 là 70 m3/s bằng 27% trung bình nhiều năm, rất kiệt. Tháng 11, lũ chính vụ còn 43,5m3/s, bằng 10% trung bình nhiều năm. So với chuỗi thủy văn 45 năm thì đây là mức thấp kỷ lục. Hiện tại, tình hình nhiễm mặn Hội An, Duy Xuyên (Quảng Nam) cũng rất nặng nề.

Đại diện các thuỷ điện đều kiến nghị cần có phương án tích nước, điều chỉnh sản lượng phát điện, bởi viễn cảnh mùa khô tới sẽ rất gay gắt, khó cả việc cấp nước cho hạ du và đảm bảo an ninh năng lượng.

Ghi nhận các ý kiến tại buổi làm việc, ông Châu Trần Vĩnh- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước nhận định mùa lũ năm nay rất đặc biệt. Tất cả lưu lượng, dung tích cả hồ thủy lợi thấp hơn 70-80%. Nguy cơ rất cao xảy ra hạn hán vào mùa hè thu năm sau trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn. Vì vậy 4 hồ chứa lớn phải hết sức lưu ý, phối hợp chặt chẽ với chính quyển, cơ quan chức năng liên quan ở Quảng Nam, Đà Nẵng.

Riêng đối với việc quản lý vận hành hệ thống nhà máy nước của Dawaco, ông Vĩnh cho rằng qua khảo sát thực tế, từ đầu mùa lũ tới giờ, nguồn nước cho nhà máy nước Cầu Đỏ hoạt động là đảm bảo. Việc thiếu nước do nhiễm mặn cao có liên quan đến giải pháp vận hành của nhà máy. Ông Vĩnh đề nghị sớm có giải pháp để nâng cao hiệu quả vận hành, đảm bảo được nguồn nước đươc cấp liên tục và ổn định cho người dân.

Tâm An