Vì sao Bộ Y tế đề xuất giữ nguyên mô hình Tổng cục Dân số?
(Dân trí) - Trước việc Bộ Nội vụ cho rằng Tổng cục Dân số chưa đáp ứng tiêu chí thành lập, nếu muốn duy trì thì báo cáo Thủ tướng quyết định, Bộ Y tế đã lý giải đề nghị giữ nguyên mô hình tổng cục này.
Như đã thông tin, Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế. Hồ sơ dự thảo cho thấy, Tổng cục Dân số có 4/7 tổ chức cấp Vụ không đủ số lượng biên chế công chức theo quy định, dưới 15 người/Vụ; có 5/5 phòng thuộc Văn phòng Tổng cục Dân số không đủ số lượng biên chế công chức theo quy định, dưới 7 người/phòng.
Bộ Nội vụ khẳng định, Tổng cục Dân số chưa đáp ứng tiêu chí thành lập. Vì thế, trường hợp đặc biệt cần thiết phải duy trì Tổng cục Dân số thì Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Tổng cục Dân số có quá trình lịch sử hình thành và phát triển lâu đời (từ năm 1961); trong lịch sử có giai đoạn dài từng là cơ quan ngang Bộ trực thuộc Chính phủ (1991-2007).
Tổng cục Dân số có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về dân số- kế hoạch hóa gia đình trong phạm vi cả nước, bao gồm các lĩnh vực: Quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công về dân số - kế hoạch hóa gia đình theo quy định pháp luật.
Tổng cục Dân số đang được giao thực hiện 19 nhiệm vụ quy định tại Quyết định số 17/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
"Dân số là lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội. Nghị quyết số 21/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: "Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế- xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số…"- Bộ Y tế cho hay.
Nghị quyết số 21 cũng nhấn mạnh quan điểm tổ chức bộ máy làm công tác dân số phải "phù hợp với trọng tâm công tác dân số trong từng thời kỳ" mà trọng tâm thời kỳ này là "chuyển sang dân số và phát triển" với nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực.
Hơn nữa, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 496/2021, trong đó đề ra mục tiêu cụ thể là "giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp".
Tổng cục Dân số hiện đang hoạt động ổn định và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với lĩnh vực dân số theo quy định của Đảng, pháp luật và yêu cầu hội nhập quốc tế. Hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số thống nhất từ Trung ương đến địa phương, được sắp xếp tinh gọn, kiện toàn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Hiện nay Tổng cục Dân số đã thực hiện rà soát, có phương án sắp xếp lại cơ cấu tổ chức theo đúng quy định tại Nghị định 101/2020, Nghị định 120/2020 của Chính phủ.
"Bộ Y tế đề nghị giữ nguyên mô hình Tổng cục Dân số thuộc Bộ Y tế để thực hiện Nghị quyết số 21/2017, đồng thời có phương án sắp xếp, tổ chức lại các Vụ, Văn phòng, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục theo hướng tinh gọn, đáp ứng đúng tiêu chí do Chính phủ quy định"- tờ trình tới Bộ Tư pháp thẩm định nêu rõ.
Cũng tại dự thảo nghị định trên, Bộ Y tế đề xuất giữ nguyên và bổ sung biên chế cho Vụ Sức khỏe bà mẹ- trẻ em; Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng đủ 15 biên chế theo quy định.
Tổ chức lại 3 Cục gồm Cục Quản lý y, dược cổ truyền; Cục Khoa học công nghệ và đào tạo; Cục Công nghệ thông tin thành 3 Vụ.
Tổ chức lại Vụ trang thiết bị và công trình y tế thành Cục Quản lý trang thiết bị và công trình y tế.
Sau khi sắp xếp, tổ chức lại, cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế gồm 10 Vụ, 7 Cục, Tổng cục Dân số, Văn phòng Bộ và Thanh tra Bộ Y tế.
Đối với đơn vị sự nghiệp trực thuộc, Bộ Y tế đề xuất giữ nguyên gồm: Viện chiến lược và chính sách y tế; Báo Sức khỏe và Đời sống; Tạp chí Y, Dược học (như Nghị định 75/2017).