Vì sao Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên mô hình 5 Tổng cục?
(Dân trí) - Bộ Tài chính đề xuất tổ chức lại Vụ Chính sách thuế thành Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí; giữ nguyên mô hình 5 Tổng cục thuộc Bộ như hiện nay.
Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính đang được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, từ năm 2017 đến tháng 10/2021, cơ quan này đã cắt giảm 4.312 đầu mối đơn vị hành chính các cấp từ trung ương đến địa phương gồm: 3 đơn vị cấp phòng thuộc Vụ/Cục thuộc Bộ; 220 phòng thuộc Vụ/Cục thuộc Tổng cục; 394 đơn vị cấp chi cục và tương đương; 3.695 đơn vị cấp tổ/đội và tương đương.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, đã giảm 10 đơn vị do đã tổ chức lại, giải thể, dừng hoạt động.
"Với mô hình trên, Bộ Tài chính đã thực hiện tốt cơ chế quản lý, điều hành thống nhất, thông suốt, gắn kết linh hoạt giữa các công cụ tài chính (chính sách thuế, giá, dự trữ, hỗ trợ ngân sách…), không bị chồng chéo, trùng lấn giữa các ngành, lĩnh vực"- tờ trình của Bộ Tài chính cho hay.
Từ đó cơ quan này đề xuất giữ nguyên tổng số lượng Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra, Văn phòng và đơn vị sự nghiệp công lập là 29 đơn vị.
Tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về lĩnh vực thuế được minh bạch, hiệu quả, Bộ Tài chính đề xuất tổ chức lại Vụ Chính sách thuế thành Cục quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí.
Đồng thời đề xuất Chính phủ giữ nguyên mô hình 5 Tổng cục thuộc Bộ Tài chính như hiện nay gồm: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Các Tổng cục hiện nay có đối tượng quản lý lớn về chuyên ngành, lĩnh vực, tính chất phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội. Chuyên ngành, lĩnh vực quản lý cần tập trung, thống nhất ở trung ương và đáp ứng đầy đủ 3 tiêu chí thành lập Tổng cục theo quy định tại Nghị định 123/2016 và Nghị định số 101/2020.
"Trong thời gian tới sẽ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn đầu mối các tổ chức bên trong các Tổng cục theo tinh thần của các nghị quyết của Đảng, Chính phủ đảm bảo tiêu chí thành lập và phù hợp với đặc thù của ngành tài chính"- Bộ Tài chính cho hay.
Trong khi đó, góp ý về dự thảo nghị định trên, Bộ Nội vụ đề nghị nhập Vụ Thi đua-Khen thưởng vào Vụ Tổ chức cán bộ do nhiệm vụ quản lý nhà nước về thi đua- khen thưởng phải gắn với nhiệm vụ quản lý về công tác tổ chức, cán bộ.
Giải trình việc này, Bộ Tài chính cho biết Vụ Thi đua-Khen thưởng được giao 17 biên chế; nếu nhập vào Vụ Tổ chức cán bộ sẽ dẫn đến khối lượng công việc và số lượng biên chế tăng lên 69 người, bằng quy mô tối thiểu của 2 Cục.
Hơn nữa, phạm vi quản lý của Vụ Tổ chức cán bộ chỉ đối với các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Tài chính; còn phạm vi quản lý của Vụ Thi đua-Khen thưởng ngoài các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Tài chính còn có các đơn vị thuộc ngành tài chính (Sở Tài chính; các các nhân, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính gồm: chứng khoán, bảo hiểm, sổ xố, kế toán, kiểm toán…) trên phạm vi toàn quốc.
"Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ việc duy trì mô hình tổ chức Vụ Thi đua-Khen thưởng như hiện nay là phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và đặc thù của Bộ"- tờ trình dự thảo nghị định cho hay.
Lý giải việc giữ cấp phòng trong Vụ
Trước đề nghị của Bộ Nội vụ về việc bỏ cấp phòng trong Vụ, Bộ Tài chính phân tích: Trong một Vụ có số lượng công chức lớn (40-60 biên chế), có nhiều mảng công việc tương đối độc lập, nếu không tổ chức phòng thì khối lượng công việc sẽ tập trung rất lớn vào 4 lãnh đạo Vụ, gây khó khăn trong việc kiểm soát công việc về tiến độ cũng như chất lượng.
Các Vụ thuộc Bộ Tài chính đều đảm bảo tiêu chí để tổ chức phòng thuộc Vụ theo quy định tại khoản 5 điều 1 Nghị định 101/2020 của Chính phủ: "Không tổ chức phòng trong Vụ. Trường hợp Vụ có nhiều mảng công tác và khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 30 biên chế công chức trở lên được cấp có thẩm quyền giao thì có thể thành lập phòng và số lượng phòng trong Vụ thuộc Bộ (nếu có) phải được quy định tại Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ".
Bộ Tài chính nhấn mạnh, nếu không tổ chức phòng trong Vụ tại cơ quan này sẽ tác động tiêu cực đến việc tổ chức quản lý, thiếu sự chuyên sâu và liên kết giữa các mảng công việc.
Vì vậy Bộ này báo cáo Chính phủ tiếp tục duy trì mô hình tổ chức phòng trong Vụ thuộc Bộ Tài chính. Trong đó, Vụ Ngân sách nhà nước có 5 phòng, Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp có 4 phòng, Vụ Đầu tư có 4 phòng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính có 4 phòng, Vụ Pháp chế có 5 phòng, Vụ Tổ chức cán bộ có 5 phòng, Vụ Hợp tác quốc tế có 4 phòng.
Theo dự thảo nghị định, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và danh sách các tổ chức sự nghiệp khác thuộc Bộ.