1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Về thăm làng "trời đánh" ở Hưng Yên

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Ở huyện Ân Thi của tỉnh Hưng Yên, có những ngôi làng bị sét đánh nhiều lần, gây thiệt hại về người và tài sản của người dân nơi đây.

Làng "trời đánh"

So với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam có mật độ sét khá cao, mỗi năm trung bình hứng chịu khoảng 2 triệu tia sét.

Mùa dông sét ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 10. Hàng năm nước ta hứng chịu khoảng 100 vụ sét đánh ở nhiều nơi, trong đó không ít vùng sét đã làm thương vong nhiều người.

Chính vì thế, tại Việt Nam có những ngôi làng mà người ta đặt tên là làng "trời đánh", do có tần suất sét đánh nhiều hơn hàng chục lần so với các vùng khác.

Về thăm làng trời đánh ở Hưng Yên - 1

Làng "trời đánh" Đỗ Mỹ ở xã Bãi Sậy, Ân Thi, Hưng Yên (Ảnh: Nguyễn Dương).

Cụ thể như ở huyện Ân Thi của tỉnh Hưng Yên, có những ngôi làng bị sét đánh nhiều lần. Những trận sét đánh đó vô cùng dữ dội, gây thiệt hại lớn cho người dân ở nơi này.

Nhiều năm nay, người dân địa phương đặt tên cho làng Đỗ Mỹ, xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi là làng "trời đánh", bởi ngôi làng này liên tục bị sét đánh.

Trong trí nhớ của ông Doãn Xuân Đương, Chủ tịch UBND xã Bãi Sậy, tại làng Đỗ Mỹ đã có 2 người bị sét đánh tử vong, 1 người bị sét đánh chết hụt. Còn chuyện sét đánh làm cháy lúa, cháy đồ dùng như tivi, tủ lạnh,... của người dân xảy ra như "cơm bữa".

Về thăm làng trời đánh ở Hưng Yên - 2

Chủ tịch UBND xã Bãi Sậy Doãn Xuân Dương trao đổi với phóng viên Dân trí (Ảnh: Nguyễn Dương).

Đi tìm các nạn nhân từng bị sét đánh và gia đình có nạn nhân bị sét đánh chết theo chỉ dẫn của Chủ tịch xã Bãi Sậy, chúng tôi gặp ông Cao Văn Tới (62 tuổi) ở làng Đỗ Mỹ, người từng bị sét đánh chết hụt.

Ông Tới kể, khoảng 13h trưa của tháng 7 năm 2006, ông dùng xe đạp chở 2 bao phân ra đồng để bón lúa. Khi ông bón hết 1 bao phân thì trời đang nắng bỗng mây đen kéo đến kèm sấm chớp và bắt đầu có mưa nhỏ.

Trời đổ mưa, ông Tới cho bao phân còn lại chưa rắc lên xe đi về, quá trình di chuyển bao phân bị rơi xuống đường. Ông dựng xe bên đường để xuống bê bao phân lên xe. Đúng lúc này, ông Tới bị sét đánh. 

Về thăm làng trời đánh ở Hưng Yên - 3

Ông Tới chỉ vị trí mình bị sét đánh chết hụt (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Lúc đó tôi thấy tia sét cứ chạy lằng nhằng lằng nhằng và tôi bị sét đánh hất văng đi mấy mét và nằm bất tỉnh dưới ruộng. Đến sẩm tối, tôi tỉnh dậy mới biết mình chưa chết, nhưng chân tay chưa cử động được. Bên tai trái tôi lúc đó chảy máu nhiều", ông Tới nhớ lại.

Sau cú sét đánh như "trời giáng", tai bên trái của ông Tới bị hỏng và ông phải nhập viện điều trị mất mấy ngày bởi trên người có nhiều vết bỏng.

Cũng theo lời ông Tới, vào các năm 2004, 2005, tại làng Đỗ Mỹ mỗi năm có một người bị sét đánh tử vong.

Ngoài sét đánh làm chết người, ông Tới cho biết, tại ngôi làng này hàng năm sét vẫn "ghé thăm" làm cháy lúa, cháy tivi và các vật dụng khác của người dân.

Hai người bị sét đánh tử vong trong làng Đỗ Mỹ vào các năm 2004, 2005 là trường hợp một người đi chăn bò ngoài cánh đồng và một người đang đi kéo lưới ngoài sông.

Chúng tôi tìm đến nhà bà Hoàng Thị Thơm (60 tuổi), ở làng Đỗ Mỹ để nghe bà kể về người chồng xấu số của bà bị sét đánh tử vong cách đây 20 năm.

Vào buổi trưa 10/5/2004, bà Thơm cùng chồng, con trai thứ 2 đi kéo lưới bắt cá ở sông ngoài cánh đồng của làng. 

Mới kéo được 1 mẻ lưới, bà Thơm nghe thấy 2 tiếng sét khá to, nhưng chưa mưa. Lúc đó bà Thơm cảm thấy sợ hãi nên giục chồng đi trú ẩn, nhưng người chồng chủ quan không làm theo.

Về thăm làng trời đánh ở Hưng Yên - 4

Bà Thơm kể lại thời điểm bản thân và chồng, con bị sét đánh (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Thấy có tiếng sét nên tôi rất sợ, bình thường sau mỗi mẻ kéo lưới tôi sẽ nhặt sạch sẽ những rác lẫn với cá tôm, nhưng hôm đó tôi nhặt rác vội vàng rồi đi theo chồng và con. Hai bố con ông ấy khênh lưới đi chỗ khác để kéo tiếp, chồng tôi đi sau. Đi được mấy bước chân thì tôi nghe tiếng nổ đoàng rất to, chồng tôi ngã ngửa xuống, tôi và con ngã nằm sấp xuống đường", bà Thơm kể.

Khi bà Thơm tỉnh dậy vẫn thấy chồng nằm ngửa bất động nên vội hô hoán người nhà ra ứng cứu, nhưng được xác định đã tử vong từ thời điểm đó. Trên cơ thể người chồng xấu số có vết sét đánh chạy dọc phía mang tai.

Bà Thơm kể tiếp, sau đó đúng 1 năm, vào ngày 14/5/2005, cháu trai của một gia đình trong làng đi chăn bò cũng bị sét đánh tử vong.

Sau khi có 3 trường hợp bị sét đánh nói trên, người dân làng Đỗ Mỹ mang một nỗi sợ hãi mỗi khi nghe tiếng sấm chớp. 

Cũng từ đó, mỗi khi mây đen kéo đến kèm sấm chớp, tại các cánh đồng ở làng Đỗ Mỹ không còn một bóng người, bởi người dân đều về nhà hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.

Chủ tịch xã Bãi Sậy cho biết, khi liên tục bị sét "ghé thăm", tại các trạm biến thế điện, cột điện cao, trạm thu phát sóng,... của địa phương đều lắp thêm thiết bị chống sét (cột thu lôi).

Chính quyền cũng khuyến cáo người dân không đi làm đồng nếu gặp trời mưa dông kèm sấm sét, phải nhanh chóng về nhà hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.

Sét "chọn" vật cao hơn để đánh

Lý giải vì sao làng Đỗ Mỹ liên tục hứng chịu những trận sét đánh, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, hiện tượng sét đánh ở Ân Thi như vậy là câu chuyện tự nhiên rất bình thường.

Ông giải thích, rất nhiều người lầm tưởng ở dưới lòng đất phải có thứ gì đó thì sét mới đánh xuống nhiều, nhưng điều này không phải vậy. Sét xuất hiện ở  khu vực nào đó nhiều phụ thuộc vào điều kiện thời tiết khí quyển và điều kiện địa hình.

Về thăm làng trời đánh ở Hưng Yên - 5

Cánh đồng làng Đỗ Mỹ, nơi thường xuyên bị sét đánh (Ảnh: Nguyễn Dương).

Ở Việt Nam và một số nước châu Phi, nơi có khí hậu nóng ẩm là điều kiện thời tiết thuận lợi cho hoạt động dông sét. Một số quốc gia có khí hậu ôn đới, tại đây thậm chí ở khu vực mỏ sắt cũng rất ít xuất hiện sét.

"Thông thường sét đánh xuống sẽ chọn vật cao hơn so với xung quanh. Như ở cánh đồng sét sẽ chọn những cây cao hoặc người đi giữa cánh đồng cũng là ở vị trí cao nhất nên rất dễ bị sét đánh", Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh cho biết.

Theo đó, trong trường hợp có dông sét mà người dân không kịp chạy tìm nơi ẩn náu an toàn, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa. Ở tình huống này, người dân phải tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt...