Bình Định

"Vay "tín dụng đen", đừng mong chờ nhà nước giúp... quỵt nợ!"

Doãn Công

(Dân trí) - Nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định quan tâm đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, đặc biệt là vấn nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Phó Giám đốc Công an tỉnh thông tin giải trình.

Các đại biểu HĐND dành thời gian thảo luận về nội dung này tại kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định khóa XIII ngày 11/12. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi nổi lên tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen…

Vay tín dụng đen, đừng mong chờ nhà nước giúp... quỵt nợ! - 1

Ngày 11/12, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII bế mạc kỳ họp thứ 4 (Ảnh: Ngọc Hân).

Theo các đại biểu, trên thực tế, tín dụng đen và tội phạm ma túy đã và đang len lỏi về các khu vực nông thôn, vùng sâu, miền núi gây lo lắng cho nhân dân.

Đại biểu Đỗ Thị Diệu Hạnh (huyện Hoài Ân) nêu thực trạng, năm 2021, trên địa bàn xảy ra 7 vụ án ma túy với các hình thức vừa sử dụng vừa tàng trữ. Đáng nói, tội phạm ma túy không chỉ tập trung ở thanh thiếu niên địa phương mà đang manh nha sự xuất hiện của các đối tượng ở nơi khác đến tụ tập sử dụng và tàng trữ trái phép ma túy.

"Địa phương đã tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự cụ thể, song về lâu dài tỉnh cũng cần có những chỉ đạo quyết liệt để ổn định tình hình trên địa bàn toàn tỉnh", đại biểu Hạnh có ý kiến.

Trong khi đó, đại biểu Đinh Drin (huyện Vĩnh Thạnh) nêu thực tế là người dân rất lo lắng trước thực trạng cho vay nặng lãi diễn biến phức tạp, chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả qua nhiều nhiệm kỳ.

Về vấn đề này, Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định cho rằng cần xác định rõ thế nào là tội phạm cho vay nặng lãi?. "Nặng" đối với bản thân người vay hay "nặng" khi đối chiếu theo quy định pháp luật hiện hành.

Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên cho hay, giao dịch vay - mượn được luật dân sự cho phép, điều kiện là không vượt quá 20 lần so với lãi suất ngân hàng. Các đối tượng cho vay chỉ áp dụng lãi suất cao hơn 10 lần thì không thể bắt về tội cho vay lãi nặng. Hơn nữa, người vay nặng lãi đa số dính đến cờ bạc, ma túy, trộm cắp…; còn số người thực chất vay để làm ăn thì rất ít, bởi thường chỉ những người cùng quẫn lắm mới phải đi vay nặng lãi.

"Đi vay lãi nặng mà hi vọng ngày mai đánh lô đề kiếm tiền trả nợ chứ người làm ăn bình thường vay để làm ăn, kiếm tiền trả lãi suất vay thì không bao giờ làm được. Nhiều trường hợp, bản thân người đi vay ý thức được họ không thể trả được", Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên nói.

Theo Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, khi nào hoạt động cho vay vượt quá khuôn khổ pháp luật cho phép thì mới là tội phạm. Trường hợp người vay cam kết nhưng không trả nợ được thì người cho vay có quyền khởi kiện ra tòa về mặt dân sự.

"Tuy nhiên, khi đưa ra tòa phải nộp án phí 5% tương ứng với số tiền cho vay nên không ai gửi đơn lên tòa mà lợi dụng cơ quan công an để đi đòi nợ miễn phí cho họ. Cơ quan công an không phải là người đi đòi nợ thuê. Việc này, Bộ Công an không cho phép. Trong trường hợp này chúng tôi hướng dẫn họ gửi đơn lên tòa án", ông Nguyên nói. 

Vay tín dụng đen, đừng mong chờ nhà nước giúp... quỵt nợ! - 2

Trường hợp một sinh viên ở phường Quang Trung (TP Quy Nhơn, Bình Định) vay nặng lãi không trả hết nợ bị tạt sơn, mắm thối và bị hăm dọa.

Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên thông tin thêm, trong 5 vụ bắt giữ người trái pháp luật xảy ra trên địa bàn tỉnh năm 2021, có đến 4 vụ liên quan đến việc không trả lãi vay đúng hạn.

"Quan điểm của chúng tôi là phải đánh mạnh vào tội phạm cờ bạc, ma túy thì may ra mới hết tình trạng này. Lực lượng công an không bảo vệ số người hoạt động trái pháp luật dẫn đến nợ nần. Có gan vay thì phải có gan trả, không được đòi hỏi, mong chờ Nhà nước, pháp luật giúp mình khỏi trả nợ, "quỵt nợ". Có trường hợp cá độ đá banh, một đêm thua cả tỷ đồng, không có tiền trả nợ nên bị bắt viết giấy nợ chứ bản chất không phải do vay nặng lãi, hoặc một số trường hợp vay nặng lãi để đáo hạn ngân hàng", Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên cho hay.