1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Văn hóa tranh luận

Suốt tuần qua, dư luận bức bối khi đọc bài viết của ĐBQH Hoàng Hữu Phước xúc phạm nặng nề ĐBQH Dương Trung Quốc. Sáng qua, VietNamNet có bài tường thuật với đầu đề “ĐB Hoàng Hữu Phước xin lỗi ĐB Dương Trung Quốc”.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2154/On-ao-quanh-blog-dai-bieu-Hoang-Huu-Phuoc.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Ồn ào quanh blog đại biểu Hoàng Hữu Phước</b></a>

Nhiều người tỏ ý đón mừng một sự phục thiện. Thật rất đáng tiếc, bài này cho thấy ông Phước hoàn toàn không hiểu cái lỗi của mình là ở chỗ nào! Ông Phước nhắc đi nhắc lại 7 lần rằng “phương pháp tranh luận của mình sai khi đưa lên blog”! Ông tỏ ra hối tiếc vì đưa lên blog là cho “những kẻ xấu, các thế lực không thân thiện” “một cơ hội bằng vàng để họ có thể xúc xiểm QH, đại biểu QHVN”. Nếu đúng như vậy thì ông chỉ cần xin lỗi Quốc hội, chứ đâu cần xin lỗi ông Quốc!

 

Ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của QH - cho rằng “việc tiếp tục “tranh luận” trên web cá nhân hay đâu đó của ĐB Phước, pháp luật cũng không cấm”.

 

Cái sai của ông Hoàng Hữu Phước không phải như ông ngụy biện “ngu có nghĩa là sai” (hán tự không có chữ ngu là sai!) không vì trực ngôn (nói thẳng) cũng không phải vì đưa nội dung tranh luận lên blog mà vì ông không tôn trọng người có ý kiến khác với mình, tệ hơn nữa là thóa mạ một cách kém văn hóa. Đây là một vấn đề rất cần thảo luận làm rõ. Bởi vì, tuy hiện tượng công khai thóa mạ người có quan điểm khác với mình như ông Phước là rất hiếm, nhưng số người không chấp nhận phản biện những quan điểm mà họ đã cho là đúng, là chân lý thì rất đông.

 

Truyền thống văn hóa phương Đông khiến nhiều người quen với điều gì bề trên đã nói thì nhất định phải đúng. Kẻ dưới nếu nghĩ ra điều khác lạ thì chỉ được phép “điều trần” và chờ đợi ở trên phán xét. Chúng ta chưa xây dựng được nền nếp sinh hoạt tự do trong một xã hội dân chủ, tôn trọng người nói trái ý mình hoặc trái với ý kiến lâu nay của số đông, của cả cấp trên. Do đó, từ Đại hội Đảng X, rồi đến Đại hội Đảng XI đều có đề ra cho MTTQ VN nhiệm vụ tổ chức phản biện, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.

 

Nhiều người có trách nhiệm cho biết nguyên nhân chủ yếu là vì “chưa có định chế cho hoạt động phản biện”, khiến cho ai cũng sợ rằng ý kiến phản biện của mình có được chấp nhận hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tính chủ quan của người có quyền quyết định mà không được chấp nhận thì dễ bị phiền nhiễu! Từ đó có sự ngầm hiểu, chỉ nên phản biện những vấn đề không quá gai góc, dễ được chấp nhận. Đại hội Đảng XI yêu cầu “Nhân dân đóng góp ý kiến, phản biện xã hội và giám sát công việc của Đảng và Nhà nước nhất là về các chính sách kinh tế, xã hội, về quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển quan trọng” (Văn kiện, trang 145). Tinh thần đó không hề đòi hỏi cần phải có một “định chế”! Cái “sợ bóng sợ gió” chỉ là từ di truyền của một nền văn hóa không chấp nhận phản biện từ ngàn xưa đang tồn tại trong não bộ mỗi chúng ta. Nếu chỉ được nói những gì đã ghi trong nghị quyết thì Đại hội XI hà tất phải đặt ra!

 

Chúng ta cần học tập, làm quen với văn hóa phản biện trong sinh hoạt dân chủ mà điều quan trọng nhất là biết tôn trọng người có quan điểm trái với mình. Bi kịch từ vụ việc của ĐB Hoàng Hữu Phước là do thiếu hẳn điều đó. Biết tôn trọng người nói trái ý mình thì mới ứng xử thành tâm, lễ độ, nghiêm túc lắng nghe, suy xét sai đúng, chấp nhận được điều gì và còn cần tranh biện thêm điều gì.

 

Hơn 200 năm trước, văn hào, triết gia Voltaire có câu nói rất đáng nhớ về vấn đề này “Có thể tôi không đồng ý với điều anh nói; nhưng tôi sẽ đấu tranh đến cùng cho quyền được nói của anh”. Chúng ta đã chậm hơn 200 năm rồi, đừng trì trệ thêm nữa. Bởi như Giáo sư Ngô Bảo Châu cảnh báo “Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng!”.

 

Theo Tống Văn Công
 Lao động