1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngày thứ tư, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XI:

Vấn đề chống nguy cơ tụt hậu vẫn bỏ ngỏ

(Dân trí) - “Cho dù chúng ta đạt mục tiêu đặt ra cho năm 2006 và cả năm 2010 một cách suôn sẻ thì sự tụt hậu của chúng ta vẫn chưa hề được cải thiện”, đó là lo lắng của đại biểu Dương Trung Quốc sau khi phân tích báo cáo của Chính phủ trong kỳ họp này.

Phải chống nguy cơ tụt hậu!

 

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) thẳng thắn nhận định về bản báo cáo của Chính phủ, rằng: các giải pháp mà Chính phủ đưa ra cách lập luận cho mỗi vấn đề có nhiều luận điểm xác đáng, nhưng mới là những hệ thống quan điểm mang tính lý thuyết, chưa tạo được niềm tin về tính khả thi.

 

Ông khẳng định: “Đã là giải pháp thì phải định lượng được khả năng thực thi và thể hiện khả năng đó bằng những mục tiêu cụ thể. Như vâỵ mới cân đong được tính hiệu quả”.

 

Ông cũng cho rằng,  mỗi vấn đề mà báo cáo của Chính phủ đưa ra đều có thể đặt ra một câu hỏi tương ứng, nhưng chưa thấy lời giải đáp. Một số vấn đề chỉ đưa ra những mục tiêu không định lượng được như “tạo chuyển biến rõ rệt”, phải “tích cực chủ động hơn nữa”... Trong khi đó, yêu cầu của nhân dân là báo cáo phải đưa ra được những mục tiêu, khả năng, định lượng thì sự giám sát mới có hiệu quả, đương nhiên sự phấn đấu mới trở lên cụ thể.

 

Lo lắng về khả năng tụt hậu, ông Dương Trung Quốc cho rằng, bản báo cáo cho thấy nếu chúng ta đạt mục tiêu đặt ra cho năm 2006 và cả năm 2010 một cách suôn sẻ thì sự tụt hậu của chúng ta vẫn chưa hề được cải thiện,  không chừng chúng ta còn tiếp tục tụt hậu hơn nữa.

 

Ông đặt vấn đề: “Chính phủ dường như đang phấn đấu phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng GDP, ứng phó với những biến động, rủi ro của thời cuộc cũng đã đủ hụt hơi rồi, chưa thể bàn đến những quyết sách chống tụt hậu lâu dài”.

 

Và ông đề xuất: “Tôi mong rằng, kể từ kỳ họp sau, trong chương trình nghị sự cũng như trong báo cáo của Chính phủ bên cạnh những vấn đề sát sườn với kế hoạch của từng năm, từng kế hoạch 5 năm, hãy dành một phần nội dung để Quốc hội chúng ta có thể bàn tới về những giải pháp nào chống nguy cơ tụt hậu”.

 

Lạm phát năm tới ở mức 6%

 

Vấn đề chống nguy cơ tụt hậu vẫn bỏ ngỏ - 1

Thống đốc Lê Đức Thúy dự báo lạm phát năm tới sẽ ở mức 6%.

Lạm phát tăng là điều mà nhiều đại biểu quan tâm trong buổi thảo luận sáng nay (21/10). Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thuý, ở các nước,“võ” duy nhất để chống lạm phát là thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất chỉ đạo từ ngân hàng Trung ương. Điều này góp phần kiểm soát sự tăng giá nhưng lại có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

 

Tuy nhiên, ở Việt Nam, mục tiêu tăng trưởng đang cần được ưu tiên. Chính vì vâỵ, vừa qua, Chính phủ có bàn đến các giải pháp này và Ngân hàng Nhà nước với tư cách là cơ quan thi hành chính sách tiền tệ cũng tính điều này. Việc áp dụng các biện pháp thắt chặt tiền tệ ở mức vừa phải chứ chưa phải thắt mạnh.

 

Về vấn đề lạm phát ở ta ở mức bao nhiêu thì chấp nhận được, ông Thuý đề nghị: “Trên thế giới có khoảng 10 nước là thực hiện  mô hình kiểm soát mục tiêu và Thống đốc ngân hàng Trung ương phải chịu trách nhiệm kiểm soát lạm phát ở mức mục tiêu đề ra nhưng trong biên độ cộng trừ 1 nghĩa là nếu mục tiêu là 2% thì đến 3% vẫn chấp nhận được hoặc xuống 1% vẫn coi là hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm thì phải điều chỉnh cho nó gần sát với mục tiêu quy định”.

 

Ông Thuý cho rằng, nền kinh tế phát triển bền vững sẽ tốt nếu lạm phát duy trì ở mức thấp hơn tăng trưởng từ 1 đến 2% và ông dự báo lạm phát năm tới sẽ ở mức khoảng 6% nếu không có những yếu tố bất thường xảy ra. 

 

Kết thúc buổi thảo luận sáng nay, Phó chủ tịch Quốc Hội Trương Quang Được tổng kết và đưa ra một kỷ lục: “Sau hai ngày làm việc, đã có 70 ý kiến phát biểu, một kỷ lục trong các kỳ đại hội”.

 

Phó chủ tịch QH cũng kết luận về kiến nghị của đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn về việc ra một số nghị quyết, Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu xem thử, nên ra nghị quyết riêng hay đưa vào nghị quyết chung, sẽ trình với Quốc hội ý kiến này.

 

Những ý kiến kiến nghị của Uỷ ban Kinh tế Ngân sách Thường vụ Quốc hội cũng sẽ nghiên cứu và báo cáo với Quốc hội để đưa vào trong các nghị quyết.

 

Vấn đề tốc độ tăng trưởng, nhiều đại biểu muốn tăng trưởng cao hơn con số Chính phủ đề ra, nhưng cũng có ý kiến đồng tình với con số đó. Vì vậy ông Trương Quang Được cho rằng việc này cần phải cân nhắc kỹ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ bàn với Chính phủ tìm một phương án phù hợp nhất để báo cáo với Quốc hội.

 

Về Ý kiến của đại biểu Quốc hội muốn rằng Quốc hội sắp thông qua các Luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãnh phí. Ngay trong chương trình của năm 2006 đã phải thể hiện tinh thần này, Phó chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Những ý kiến này rất đúng, vì vậy các đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ và vận dụng nó vào trong các ý kiến của mình việc đề xuất các Nghị quyết sắp tới”

 

Đức Hoà - Hồng Hạnh