1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ùn tắc giao thông: "Chung cư cao tầng không có lỗi"

Trần Thanh

(Dân trí) - Nói về ùn tắc giao thông, chuyên gia cho rằng lỗi không nằm ở nhà cao tầng mà nằm ở quy hoạch và phát triển hạ tầng.

Tại buổi tọa đàm với chủ đề "Ùn tắc giao thông - Nỗi ám ảnh ở các đô thị lớn" do Báo điện tử Dân trí phối hợp với Cục CSGT (Bộ Công an) tổ chức, vấn đề quá tải nhà chung cư cao tầng trong nội đô được quan tâm bàn luận.

"Chung cư, nhà cao tầng ở Hà Nội xây dựng quá dày đặc"

Trả lời câu hỏi của độc giả cho rằng, hiện nay ở Hà Nội các tòa nhà cao tầng mọc lên quá nhiều nhưng không đồng bộ với năng lực hạ tầng giao thông đã gây nên cảnh ùn tắc, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - khẳng định: "Nhà cao tầng không có lỗi, bởi vì thành phố lớn mà quy mô dân số từ 7-10 triệu dân thì không phải riêng Việt Nam mà ở các nước cũng đều xây dựng nhà cao tầng". 

"Chỉ có nhà cao tầng mới đáp ứng được nhu cầu của cư dân đô thị", ông Chính nói.

Theo ông Chính, vấn đề ở đây là các nhà quy hoạch phải luôn luôn tính toán về mật độ dân cư khi xây dựng các tòa nhà/ha.

Ùn tắc giao thông: Chung cư cao tầng không có lỗi - 1

Theo thống kê, trên địa bàn phường Hoàng Liệt hiện có 85 tòa chung cư (Ảnh minh họa: Nguyễn Trường)

"Cái thứ 2 đó là hạ tầng đô thị như chỗ đỗ xe cho người dân, đường đi như thế nào, mặt cắt đường bao nhiêu để thông thoáng được trong khu nhà cao tầng đó và kết nối được với giao thông của toàn bộ thành phố... chứ không chỉ tính toán trong mỗi khu nhà đó. Chúng ta liên thông trong cả một đô thị, giữa khu này với khu kia phải có đường kết nối", ông Chính chia sẻ.

Cũng theo vị kiến trúc sư, việc xây dựng nhà cao tầng tại Hà Nội có tình trạng không tính toán đầy đủ về mật độ dân cư. Hay nói cách khác là các chung cư, tòa nhà ở thủ đô xây dựng quá dày đặc.

Ông Chính lấy dẫn chứng rằng, vừa qua ở phường Hoàng Liệt xảy ra việc bốc thăm cho trẻ đi học. Đây là một vấn đề rất bức xúc mà hệ lụy xảy ra từ việc xây dựng mật độ chung cư dày đặc mà lực lượng chức năng cần phải giải quyết. Từ đó, ông Chính nêu quan điểm, vấn đề chính ở đây phải là công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch thế nào cho tốt.

"Có lỗi trong quy hoạch và phát triển hạ tầng giao thông"

Theo KTS Trần Ngọc Chính, chúng ta đang có lỗi trong việc quy hoạch và phát triển hạ tầng giao thông, mặc dù chúng ta biết việc giao thông ở các TP lớn rất phức tạp.

Giao thông ùn tắc sẽ gây mất thời gian và tiền bạc của người dân. Bên cạnh đó là khói bụi, ảnh hưởng môi trường, đó cũng là một hệ lụy rất lớn của ùn tắc. 

Ông Chính nhận định, biết là có lỗi nhưng "chúng ta khó sửa sai vì nó liên quan đến tầm nhìn và tài chính".

Theo vị kiến trúc sư, mong muốn của những nhà làm quy hoạch là hệ thống giao thông công cộng có sự kết nối như đường sắt, metro ngầm, BRT, taxi... và phải bỏ xe máy.

Ùn tắc giao thông: Chung cư cao tầng không có lỗi - 2

KTS Trần Ngọc Chính (Ảnh: Hữu Nghị).

"Để làm được điều đó chúng ta phải có phương án hết sức đầy đủ và khoa học. Nhưng hiện tại chúng ta đang bị làm nửa vời và không biết lúc nào mới xong được vì liên quan đến cả kinh phí đầu tư. Kinh phí đầu tư liên quan đến các tuyến metro đã lên tới 1-2 tỉ USD", kiến trúc sư Chính phân tích.

Ông Chính cho rằng, quy hoạch phải đi trước một bước khi phát triển xây dựng đô thị, bởi từ đó mới xác định được thành phố có bao nhiêu dân, bao nhiêu phường, quận.... Tiếp đó, giao thông sẽ phải đi trước một bước bởi giao thông là đường liên kết để kết nối trong khu đô thị.

"Nói một cách nghiêm túc là chúng ta chưa làm tốt nhiệm vụ giao thông đi trước một bước. Tôi lấy ví dụ như trong khu Linh Đàm chỉ có vài hecta đất nhưng lại có đến vài tòa nhà, dân số thì bằng hay thậm chí hơn cả một phường, trong khi hệ thống đường thì vẫn như thế. Nhà thì quá nhiều mà đường thì không có, do đó không có đường để đi, giao thông không thể đi trước một bước", ông Chính chia sẻ.

Theo vị kiến trúc sư, đây là lỗi của đơn vị thiết kế và quản lý. "Giữa thủ đô Hà Nội mà có việc xây dựng khu chung cư như khu HH Linh Đàm thì không thể hiểu được", ông Chính nói.

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân tríToyota Việt Nam phối hợp thực hiện.

Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn.

Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam , đơn vị tài trợ Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam .

Để biết thêm thông tin chi tiết về Chương trình cũng như thể lệ tham gia Cuộc thi, vui lòng truy cập website của chương trình tại https://sangkienatgt.dantri.com.vn