1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tỷ lệ đăng ký khai sinh ở Việt Nam các năm qua đạt trên 98%

Thế Kha

(Dân trí) - Ông Nhâm Ngọc Hiển, Phó cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, tỷ lệ đăng ký khai sinh ở Việt Nam trong các năm qua đạt trên 98%.

Thông tin đó được ông Nhâm Ngọc Hiển đưa ra tại Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 16/12 tại Hà Nội.

Tỷ lệ đăng ký khai sinh ở Việt Nam các năm qua đạt trên 98% - 1

Ông Nhâm Ngọc Hiển, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Ảnh: Thu Nga).

Từ năm 2016 đến nay, theo ông Hiển, mỗi năm có hàng triệu trẻ em được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân. Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là những tác động tích cực đối với hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch trên toàn quốc, bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch của người dân.

Phương thức đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước được hiện đại hóa thông qua việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, triển khai Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung miễn phí, thống nhất tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (gồm trên 10.000 UBND cấp xã, hơn 700 UBND cấp huyện).

"Về cơ bản, pháp luật hộ tịch của Việt Nam đã thừa nhận và bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch cho tất cả mọi cá nhân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, tôn giáo hay nơi cư trú; bảo đảm mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân được đăng ký đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan và chính xác", ông Hiển nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo thống kê, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh duy trì ở mức cao từ năm 2019 đến nay, đều trên 98,5%, vượt chỉ tiêu của chương trình đề ra. 

Dù vậy, Phó cục trưởng Nhâm Ngọc Hiển thừa nhận chương trình hành động quốc gia đang gặp một số khó khăn, thách thức khi hệ thống pháp luật về hộ tịch, quốc tịch vẫn còn "vênh", chưa đồng bộ với một số quy định pháp luật trong lĩnh vực khác có liên quan.

Hơn nữa, hiện hành chưa có các chính sách, quy định phù hợp dành riêng cho việc đăng ký hộ tịch, xác định quốc tịch đối với nhóm dân cư khó tiếp cận, dễ bị tổn thương. Năng lực của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu…

Tỷ lệ đăng ký khai sinh ở Việt Nam các năm qua đạt trên 98% - 2

Giấy khai sinh điện tử có giá trị sử dụng như giấy tờ bản giấy trong các giao dịch, thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến (Ảnh: Diễm Hằng).

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi yêu cầu Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực củng cố, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp liên quan và nâng cao năng lực cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch ở cấp huyện, xã để khắc phục các hạn chế, vướng mắc.

Ông Khôi chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức về quyền lợi, trách nhiệm đăng ký hộ tịch; ý nghĩa, vai trò quan trọng của đăng ký, thống kê hộ tịch toàn diện trong giai đoạn 2025-2030 vì một tương lai bền vững của Việt Nam.

Ngoài ra, theo ông Khôi, việc tăng cường hợp tác quốc tế và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, đối tác nước ngoài cho công tác đăng ký, thống kê hộ tịch toàn diện, đặc biệt là hỗ trợ cho hoạt động khảo sát, đánh giá kết quả thống kê tỷ lệ đăng ký khai sinh, khai tử… cần được chú trọng, tăng cường hơn nữa.