Tuyết rơi ngay tại Thủ đô trong đợt rét kỷ lục
(Dân trí) - Sau khi biết được thông tin có tuyết rơi tại Vườn Quốc gia Ba Vì, rất đông du khách đã đổ về đây thưởng lãm hiện tượng thiên nhiên kỳ thú ngay tại Thủ đô. Cùng ngày, tại Bình Liêu (Quảng Ninh) lần đầu tiên ghi nhận có tuyết rơi.
Ông Đỗ Hữu Thế, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia kiêm Giám đốc trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ cho biết: Chỉ trong chiều 24/1, đã có hơn 2.000 du khách lên Vườn ngắm tuyết. Ngay khi trời đã xẩm tối, vẫn rất đông người tiếp tục kéo lên Vườn, do vậy đến 19 giờ cùng ngày, Vườn Quốc gia tạm dừng không đón khách lên tham quan. Ông Thế cũng cho biết, nếu ngày 25/1, du khách đổ về đông hơn, đơn vị chỉ cho khách lên đến cốt 400, sau đó khách đi bộ lên núi để đảm bảo an toàn cho khách. Bởi đường núi trơn, dốc nên trong ngày hôm qua, nhiều du khách đi bộ vẫn trượt ngã.
Việc đảm bảo an toàn cho du khách đang được Ban quản lý Vườn Quốc gia Ba Vì đặt lên hàng đầu. Bởi lẽ, đường lên Vườn chật hẹp, có độ dốc lớn, khúc khuỷu, mây mù dày đặc, tầm nhìn thấp. Khu vực trung tâm Vườn diện tích có thể tập trung du khách cũng không lớn. Hơn nữa, Vườn Quốc gia Ba Vì là rừng đặc dụng, lượng khách cần phải giới hạn để đảm bảo cảnh quan, hệ sinh thái. Ngay trong ngày 24/1, khi lượng khách kéo lên đông, Vườn Quốc gia Ba Vì cũng huy động lực lượng ứng trực, hướng dẫn khách tham quan để đảm bảo an toàn cho khách.
Vườn Quốc gia Ba Vì khuyến cáo du khách, trong những ngày này, tuyết bám nhiều trên các cành cây nên cành có thể rơi gẫy do nặng; mặt đường trơn dốc không đảm bảo an toàn nên du khách cần thận trọng khi lên Vườn.
Tuyết rơi tại Vườn Quốc gia Ba Vì bắt đầu xuất hiện từ rạng sáng 24/1, khi nhiệt độ xuống - 2 độ C và rơi nhiều nhất khoảng 9 giờ sáng. Tuyết đã phủ trắng 3 đỉnh núi Ba Vì, tuyết ngập lối đi, phủ trắng trên các ngọn cây, vách đá. Trong ngày hôm qua, tuyết rơi rải rác theo nhiều đợt. Tại khu vực cốt 1.000 so với mặt nước biển trở lên, bắt đầu xuất hiện hiện tượng tuyết rơi; khu vực cao nhất là cốt 1.296 tại đỉnh Mẫu đền Thượng tuyết dày đặc hơn. Lớp tuyết phủ dày khoảng 2 – 3 cm, có nơi lên đến 5 cm.
Theo các cơ quan chức năng, hơn 30 năm nay mới xuất hiện tuyết rơi tại Vườn Quốc gia Ba Vì. Cũng theo dự báo, tuyết có thể rơi tại đây trong 1 đến 2 ngày tới. Khu vực này chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km, do vậy, hiện tượng này thu hút rất đông người dân đến tham quan, thưởng lãm là điều dễ hiểu.
Lần đầu tiên tuyết rơi tại Bình Liêu, Quảng Ninh
Băng tuyết phủ kín mặt đường. Ảnh: Nguyễn Hoàng-TTXVN
Từ 0 giờ ngày 24/1, nhiệt độ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xuống rất thấp; đặc biệt tại huyện miền núi Bình Liêu của tỉnh Quảng Ninh, lần đầu tiên đã có hiện tượng tuyết rơi.
Ông Đặng Bá Bắc, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết: Tại 2 ngọn núi là Cao Xiêm (thuộc địa phận xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu), Cao Ly (thuộc địa phân xã Húc Động, huyện Bình Liêu) có độ cao trên 1000 m so với mặt nước biển, tuyết rơi với mật độ khá dày.
Theo chị La Huyền Hương, người dân sống tại xã Tình Húc, huyện Bình Liêu cho biết: Tuyết đã xuất hiện từ khoảng 0 giờ ngày 24/1. Chị chưa bao giờ thấy có tuyết rơi như năm nay.
Người dân địa phương tạo hình người tuyết trước hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này. Ảnh: Nguyễn Hoàng-TTXVN
Trước tình hình rét đậm, rét hại kéo dài, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu đã chỉ đạo thành lập các đoàn công tác đến từng thôn bản kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các hộ dân triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc như: tu sửa, che chắn chuồng trại để chắn gió đảm bảo độ ấm và khô ráo cho gia súc trong những ngày rét đậm. Các cơ quan chức năng cũng nhắc nhở các hộ dân không thả trâu, bò vào rừng khi nhiệt độ xuống thấp; quan tâm vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại; thường xuyên theo dõi để kịp thời xử lý khi gia súc có dấu hiệu suy kiệt sức khỏe; chủ động dự trữ thức ăn, bổ sung thêm thức ăn tinh cho gia súc và cho gia súc uống nước ấm để tăng sức đề kháng.
Tại một số huyện, thành phố khu vực miền Đông của tỉnh Quảng Ninh như Đầm Hà, Móng Cái nhiệt độ cũng đã giảm sâu. Các địa phương này đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống rét cho người và vật nuôi, cây trồng. Các cơ sở giáo dục hướng dẫn học sinh mặc ấm để đảm bảo sức khỏe. Các cơ sở y tế sẵn sàng các phương án xử lý kịp thời nếu xảy ra các dịch bệnh trên người do thời tiết giá rét.
Đinh Thị Thuận - Nguyễn Hoàng
TTXVN