Tuyến đường dài 4,2km, trị giá gần 200 tỷ đồng kết nối Hà Nội - Bắc Giang
(Dân trí) - Tuyến đường nối Hà Nội với Bắc Giang dài 4,2km, trị giá gần 200 tỷ đồng thông xe đã giúp tăng tính kết nối và tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương cũng như các vùng lân cận.
Vào trung tuần tháng 4, tuyến đường nối huyện Sóc Sơn (Hà Nội) với huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) có tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng đã chính thức thông xe kỹ thuật, đưa vào khai thác.
Tuyến đường có chiều dài 4,2km, bao gồm một tuyến chính và hai tuyến nhánh. Trong đó, tuyến chính nối từ cầu Xuân Cẩm đi nút giao Bắc Phú (xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) của tuyến quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên có chiều dài 3,3km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, chiều rộng nền đường 12m.
Công trình có hệ thống đường gom kết nối đồng bộ và hiện đại.
Trước khi có tuyến đường kết nối, để đi lại giữa huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và huyện Sóc Sơn (Hà Nội) nhiều người dân phải đi đò.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, tuyến đường chủ yếu chạy qua cánh đồng.
Tuyến đường hoàn thành góp phần tăng cường kết nối hai bờ tả, hữu sông Cầu, khu vực phía Đông Bắc của TP Hà Nội và khu vực phía Tây của tỉnh Bắc Giang. Đồng thời, kết nối hai tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn và Hà Nội - Thái Nguyên.
Vào đầu năm 2024, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và Sóc Sơn (Hà Nội) đã phối hợp tổ chức thông xe kỹ thuật cầu Xuân Cẩm (kết nối xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa và xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn). Đến thời điểm này, toàn bộ dự án cầu Xuân Cẩm và đường dẫn lên cầu ở hai bờ sông Cầu đã cơ bản hoàn thành.
Dự án cầu Xuân Cẩm vượt sông Cầu có tổng chiều dài hơn 479m, bề rộng mặt cắt ngang cầu 12m, tổng mức đầu tư khoảng 110 tỷ đồng.
Tuyến đường được đưa vào sử dụng sẽ mở ra nhiều cơ hội và điều kiện để thu hút đầu tư, rút ngắn khoảng cách từ tỉnh Bắc Giang đi sân bay quốc tế Nội Bài và trung tâm Hà Nội; mở rộng không gian phát triển, hỗ trợ việc vận chuyển hàng hóa và phát triển sản xuất.
Tuyến chính dài 3,3km có vận tốc thiết kế 80km/h, mặt cắt ngang 12m; tuyến nhánh có vận tốc thiết kế 60km/h, mặt cắt ngang 9m.
Hiện các cột biển báo đã được hoàn thiện, đặt dọc tuyến đường.
Tuyến đường được đưa vào sử dụng sẽ đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết Hà Nội với Bắc Giang và các tỉnh lân cận, hoàn thiện đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Giang; kết nối các cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với các khu công nghiệp tại Hà Nội và Vĩnh Phúc theo trục đường vành đai 4.
Ông La Văn Điệu (65 tuổi) và La Quang Bảy (75 tuổi, cùng trú xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn) rất vui mừng khi đạp xe tập thể dục trên tuyến đường mới.
"Người dân xã Tân Hưng chúng tôi mong chờ con đường này từ rất lâu rồi. Khi con đường thông xe, mọi người rất phấn khởi, từ giờ việc đi lại giữa huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và huyện Sóc Sơn (Hà Nội) sẽ rất thuận tiện", ông Điệu phấn khởi nói.