1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TƯỜNG THUẬT: Trong vòng vây tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc

Tình hình trong ngày 14/5 vẫn hết sức căng thẳng, Trung Quốc ngang nhiên siết vòng bảo vệ giàn khoan trái phép, huy động nhiều tàu quân sự và hộ vệ tên lửa áp sát các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam.

 

TƯỜNG THUẬT: Trong vòng vây tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc

Tàu CSB VN 4032 tuyên truyền các hoạt động vi phạm chủ quyền của TQ trong vùng biển Việt Nam (ảnh lớn); Tàu Hải cảnh 44103 TQ tăng tốc đâm vào tàu CSB VN2012 (ảnh nhỏ trái); Lan can của tàu CSB VN2012 gãy vụn sau cú đâm rất hung dữ của tàu TQ.

 

Từ Hoàng Sa, phóng viên Nguyễn Huy điện thoại về đất liền tường thuật diễn biến căng thẳng trên biển Đông. Tình hình trong ngày 14/5 vẫn hết sức căng thẳng, Trung Quốc ngang nhiên siết vòng bảo vệ giàn khoan trái phép, huy động nhiều tàu quân sự và hộ vệ tên lửa áp sát các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam.

 

Theo tường thuật của phóng viên, sáng ngày 14/5, biển động mạnh nhưng tàu CSB 8003 cùng các biên đội tàu của lực lượng chấp pháp của Việt Nam bất chấp sự ngăn cản của tàu Trung Quốc vẫn tiến sâu vào khu vực giàn khoan Hải Dương 981 để làm nhiệm vụ tuyên truyền chủ quyền, và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động trái phép và rút giàn khoan khỏi vùng biển của chúng ta.

 

Vẫn căng thẳng

 

7h sáng ngày 14/5, tàu CSB 8003 và các biên đội tàu bắt đầu vừa cơ động thì lập tức tàu Trung Quốc áp sát. Hơn 15 phút sau, tàu 3411 của Trung Quốc đã kèm sát tàu CSB 8003. Khi tàu CSB Việt Nam 8003 cùng các biên đội cơ động vào vị trí cách giàn khoan khoảng 8 hải lý, xuất hiện nhiều tàu Trung Quốc lăm le ngăn cản.

 

Trên tàu CSB 8003, thuyền trưởng, đại úy Nguyễn Văn Hưng dùng bộ đàm bình tĩnh chỉ huy các thuyền phó và trưởng các ngành cơ động điều khiển tàu một cách linh hoạt để đổi hướng nhằm tránh né và thoát khỏi tàu 411 của Trung Quốc đang lao đến với tốc độ cao.

 

Gần nửa giờ đồng hồ, tàu CSB 8003 thoát khỏi truy cản, vượt qua lớp bảo vệ vòng ngoài để tiến sâu vào vị trí giàn khoan. Lúc 8h15, tàu CSB 8003 cách vị trí giàn khoan 6 hải lý, thì 5 tàu Trung Quốc xuất hiện tiến ra ngăn cản, chặn các hướng tiến.

 

Hai tàu CSB Việt Nam 2015 và 2016 tìm cách tiến sâu vào vị trí giàn khoan cũng bị 4 – 5 tàu Trung Quốc với thái độ hung hãn rượt đuổi ngăn chặn, sẵn sàng đâm va, xịt vòi rồng. Tàu Trung Quốc 46102 tăng tốc cố ý đâm vào tàu 2016, rồi lao về phía tàu CSB 8003 cùng tàu 3411 tạo thành gọng kìm ngăn cản tàu CSB 8003.

 

Trong khi đó, trên bầu trời, máy bay Trung Quốc liên tục quần lượn nhiều vòng. Khắp các vị trí trên tàu, Cảnh sát biển Việt Nam đều bố trí người túc trực theo dõi, kịp thời báo cáo các hành động quá khích, gây hấn để chỉ huy tàu xử lý một cách linh hoạt nhất.

 

TƯỜNG THUẬT: Trong vòng vây tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc
Tàu Hải cảnh 44103 Trung Quốc chồm lên đâm thẳng mạn trái đuôi tàu CSB Việt Nam. Ảnh: Cảnh sát biển Việt nam

 

Chỉ huy và cán bộ chiến sĩ tàu CSB 8003 bình tĩnh, khôn khéo điều khiển tàu né tránh các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc đồng thời phát loa tuyên truyền khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

 

Từ 8h50 đến 8h55 ngày 14/5 tiếp tục phát hiện máy bay cánh bằng mang số hiệu 8321 bay ở độ cao 300 - 500 m liên tục quần lượn trên tàu CSB 8003 và các biên đội tàu khác của Việt Nam. Máy bay này quần lượn 2 vòng rồi ra khỏi vùng quan sát.

 

Trong vòng vây của tàu hộ vệ tên lửa

 

Trưa ngày 14/5, hai vệt xám lù lù xuất hiện trên biển tiến từ đuôi tàu CSB 8003. Từ vị trí đuôi tàu tổ quan sát thông báo tàu 998 và 999 của Trung Quốc đang tiến gần. Hai tàu này, được phía Trung Quốc tăng cường khép đuôi vòng bảo vệ trong ngày 14/5. Lập tức hai tàu này tiến gần tàu Cảnh sát biển Việt Nam khoảng 2 hải lý. 

 

Theo quan sát của phóng viên, trên hai con tàu này đều có sân đỗ và chở theo máy bay trực thăng. Trong khi đó, ở vị trí khoảng 4,5 hải lý đôi tàu tấn công nhanh, hộ vệ tên lửa của Trung Quốc cũng thường xuyên theo kèm, uy hiếp tàu CSB 8003. 

 

Theo chỉ huy tàu CSB Việt Nam 8003, các tàu hộ vệ tên lửa này những ngày trước làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài giàn khoan nhưng trong ngày 14/5 đã cơ động để đe dọa các tàu chấp pháp Việt Nam khi chúng ta tiến sâu vào vị trí giàn khoan.

 

Lực lượng chấp pháp Việt Nam vẫn luôn vững vàng thực thi nhiệm vụ tuyên truyền, luôn kiềm chế, không để mắc mưu của tàu Trung Quốc.

 

Trung tá Lương Cao Khải -

Phó tham mưu trưởng tác chiến Vùng 1 Cảnh sát biển Việt Nam

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Trung tá Lương Cao Khải - Phó tham mưu trưởng tác chiến Vùng 1 Cảnh sát biển Việt Nam - cho hay: Trung Quốc vẫn duy trì các lớp tàu dày đặc bảo vệ giàn khoan trái phép. Hiện, vị trí giàn khoan không thay đổi.  Trung Quốc đang tăng cường theo dõi các tàu chấp pháp Việt Nam làm việc trên vùng biển chủ quyền. Lực lượng chấp pháp Việt Nam vẫn luôn vững vàng thực thi nhiệm vụ tuyên truyền, luôn kiềm chế, không để mắc mưu của tàu Trung Quốc.

 

Thống kê của các biên đội tàu Cảnh sát biển Việt Nam khi tiếp cận các vị trí giàn khoan cho thấy, phía Trung Quốc đã huy động ít nhất 21 tàu hải giám và hải cảnh, 15 tàu hàng, 15 tàu cá giả dạng, 3 đầu kéo, 1 máy bay tại khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt trái phép.

 

Theo phóng viên báo Tiền Phong, trong ngày 14/5, sau hai lần cơ động tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 trái phép của Trung Quốc, biên đội tàu Cảnh sát biển Việt Nam đã tiến sâu vào gần giàn khoan hơn so với ngày trước. Đặc biệt, tàu CSB 4032 và 4033 có lúc tiến sát, cách giàn khoan từ 5 – 6 hải lý.

 

Phóng viên Tiền Phong sẽ tiếp tục tường thuật từ hiện trường trong các số báo tiếp theo.

 

Theo Nguyễn Huy (Điện từ Hoàng Sa) Nguyễn Thành (ghi)

 Tiền phong