Từ tham nhũng đến suy thoái đạo đức - vì kỷ cương không nghiêm
(Dân trí) - Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường chứng tỏ đạo đức xuống cấp. Vụ Dương Chí Dũng chứng tỏ cán bộ cấp cao cũng sẵn sàng làm việc phi pháp vì kỷ cương không nghiêm… Nhiều ĐBQH lo lắng về bức xúc xã hội trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội ngày 24/10.
Mở đầu phần phát biểu, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề cập ngay chuyện thời sự - vụ án hình sự xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường.
Bà Khánh cho rằng hiện tượng cá biệt này lại thể hiện vấn đề rất sâu của xã hội, khi nó xảy ra tại nơi đề cao giá trị nhân ái của con người. Bình luận sự việc đi ngược lại phương châm “lương y như từ mẫu”, dù không phải số nhiều nhưng đã làm chấn động xã hội.
Từ vấn đề của ngành y tế nhìn sang nhiều lĩnh vực xã hội khác, đại biểu cũng nhận xét tình hình chung nhiều biểu hiện đáng lo ngại. Ngay cả nhóm quan chức cấp cao, lẽ ra là khu vực được đánh giá cao, tín nhiệm cao để giao trọng trách nắm giữ nguồn lực của nhà nước và cả xã hội nhưng vẫn nhiều người hành động vô lối. Những sai phạm của những cán bộ suy thoái lại chưa được xử lý nghiêm.
Bà Khánh dẫn chứng bằng vụ án Dương Chí Dũng – Vinalines và so sánh, nhìn sang Trung Quốc, Bí thư tỉnh ủy, cán bộ trong Bộ Chính trị mà vẫn bị xử lý rất nghiêm khắc.
Những vấn đề đó xảy ra trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, thu nhập của dân ngày càng khó khăn, nhất là đời sống của công nhân và nông dân, đại biểu phân tích, dư luận càng thêm bức xúc. Nguyên nhân của những việc phát sinh là nhiều lĩnh vực quản lý yếu kém, nhưng kỷ cương kỷ luật không nghiêm, dẫn đến tình trạng “chưa bao giờ dân hoang mang lo lắng như thế, khi việc thực thi pháp luật yếu kém từ trên xuống dưới”.
Tán thành nhiều điểm trong lập luận của đại biểu Khánh, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh yếu kém quản lý trong lĩnh vực xã hội thể hiện kỷ cương phép nước không nghiêm. Biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống càng đặt ra nhiều thách thức. Trở lại vụ án nghiêm trọng tại thẩm mỹ viện Cát Tường, ông Son cho rằng, đây là hồi chuông cảnh báo với xã hội.
Một biểu hiện khác của kỷ cương không nghiêm, theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chính là vấn nạn tai nạn giao thông. Hơn 10.000 người chết và còn lớn hơn nhiều lần là số người bị thương mỗi năm, tương đương khoảng 166 người chết và bị thương mỗi ngày, tức mỗi ngày ra đường có 33 người không trở về nữa, còn 133 người đi rồi trở về không lành lặn, sáng đi chiều vào bệnh viện hoặc nghĩa địa… Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông một lần nữa nhắc lại tính bức xúc, biểu hiện việc quản lý xã hội yếu kém từ những con số đó.
Không phân tích thêm thực trạng, đại biểu Nguyễn Đình Quyền gợi ý, trong lúc khó khăn này yếu tố quan trọng của lãnh đạo là siết chặt việc chấp hành pháp luật, kỷ luật kỷ cương. Ông cũng bộc bạch rằng rất tâm đắc với nhận xét tại báo cáo của Thanh tra Chính phủ là “nhiều nơi nói không đi đôi với làm”.
Dẫn chứng cụ thể, ông Quyền chỉ rõ, Thủ tướng đã yêu cầu tuyệt đối không khởi công công trình mới khi chưa có nguồn, nhưng nhiều nơi vẫn khởi công mà vẫn không hề hấn gì. “Kỷ cương không nghiêm làm cho lòng dân ngao ngán” - ông Quyền thở dài.
Một biểu hiện của sự hoang mang, mất lòng tin trong người dân, xã hội được hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nêu ra là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Trụ trì ở chùa, ông Nghiêm kể, những gia đình phật tử lân cận biếu chè đều kèm lời dặn nhà chùa không dùng chè bên ngoài vì chắc chắn mất vệ sinh. Tại Đắk Lắk có một ngôi chùa sư sãi cùng trồng, rang xay chế biến cà phê, khi tặng khách cũng phải dặn “tự tay chúng tôi làm mà giá thành cũng phải 10.000đ/ly cà phê. Vậy ở TPHCM bán chỉ 5.000đ/ly thì đủ biết pha thêm thứ gì rồi”.
Vô số các loại ví dụ khác được hòa thượng Thích Bảo Nghiêm trình bày thêm, một bà cụ xách đến biếu chùa quả sầu riêng cũng dặn quả này vườn nhà trồng, có thể ăn. Còn sầu riêng chỉ cần nhúng hóa chất là ăn được, thương lái luôn dùng cách này để dấm trái bán cho người tiêu dùng.
Đặc sản hồng Nhân Hậu ở làng Vũ Đại xưa (Hà Nam), phật tử cũng kể thật là đến mùa, từng đoàn ô tô cất hàng từ các nơi về, chỉ lấy mác hồng Nhân Hậu thôi, còn tất cả các loại hàng thu gom đổ cả vào bể để ngâm hóa chất.
Ở chùa, người dân cũng dâng lễ thắp hương bưởi Phúc Trạch kèm lời dặn đừng ăn bưởi mua bên ngoài vì chỉ cần khách gọi đến thì muốn bưởi chua, ngọt, vàng, xanh gì đều có ngay, chỉ cần thêm thuốc thôi. Vậy nên nhiều trái bưởi để trên ban thờ cả mấy tháng không sao, Thanh Long cũng chục ngày vẫn tươi nguyên.
Đại biểu đặt dấu chấm hỏi cho trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như đạo đức của người kinh doanh.
Tổng cục phó Tổng cục cảnh sách phòng chống tội phạm – Trung tướng Đỗ Kim Tuyến phân tích, tình hình xã hội nhiều biểu hiện phức tạp có nguyên nhân tác động từ tình hình kinh tế rất rõ. Nguyên nhân chính dẫn đến tội phạm cũng gồm vấn đề suy thoái kinh tế, tỷ lệ người thất nghiệp tăng cao, làm tăng đầu vào của tội phạm của xã hội. Tỷ lệ người phạm tội không việc làm, cuộc sống không ổn định cũng tăng mạnh.
Những tác động từ tiêu cực từ văn hóa, xã hội, giáo dục đang làm thay đổi tình hình tội phạm. Tỷ lệ trẻ em thất học đang là một dấu hỏi đang biến thành những con số về số tội phạm trẻ tăng lên, tuổi phạm tội đã hạ xuống ngưỡng 13 tuổi. 90% các vụ giết người là do các nguyên nhân xã hội, trong đó 20% là người thân trong gia đình giết nhau…
Vấn đề đáng chú ý khi xem xét các đánh giá, theo ông Tuyến là về tỷ lệ thất nghiệp được báo cáo. Ông Tuyến băn khoăn vì tình hình doanh nghiệp giải thể quá nhiều, số lượng doanh nghiệp lập mới ít hơn hẳn nhưng báo cáo về số việc làm giải quyết lại tăng.
Bác bỏ lý giải trong báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ nghịch lý này là do số người thất nghiệp ở thành phố quay về nông thôn làm công việc nhà nông của mình, ông Tuyến dẫn chi tiết khác trong báo cáo nêu thành tích chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp, nông thôn sang thành thị tăng lên. 2 chi tiết này, theo ông Tuyến, rõ ràng “đá” nhau.