1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Xét xử vụ chạy quota tại Bộ Thương mại:

Từ sếp đến lính đều “nhận ơn” doanh nghiệp

(Dân trí) - Sáng nay 16/3, phiên tòa xét xử vụ án chạy quota tiếp tục thẩm vấn nhóm các bị cáo tại Bộ Thương mại. “Đục nước béo cò” - đó là lời nhận xét của những người dân quan tâm đến vụ án dành cho các bị cáo công chức này.

Theo các bị cáo Trần Văn Sửu, Phan Nghĩa Hiệp, Trịnh Thị Hồng Điệp, Đặng Vũ Quang, Bùi Hồng Minh từ khi có qui định xét cấp hạn ngạch của Bộ ra đời, các doanh nghiệp đã nháo nhào đi tìm mối quan hệ.

Doanh nghiệp nhỏ thì luồn lách tìm các mối quan hệ nhỏ, doanh nghiệp bự thì chơi với các ông bự. Tóm lại, theo kiểu các doanh nghiệp hay nói đùa, ở cái  thời buổi rối ren đó ai không có quan hệ thì xem như ngồi chờ doanh nghiệp của mình chết dần chết mòn.

Trong năm 2003 - 2004, Trần Văn Sửu, nguyên trưởng phòng quản lý XNK khu vực Hải Phòng của Bộ đã ký cấp visa trái quy định cho nhóm 15 doanh nghiệp của Tăng Phát Bảo để kiếm tiền mua căn nhà 36 Hàm Nghi ở Hải Phòng với giá gần 300 triệu đồng.

Hành vi ký cấp visa thời hiệu xuất hàng đi của Sửu đã giúp cho nhóm doanh nghiệp của Tăng Phát Bảo xuất trót lọt hàng chục ngàn tá sản phẩm. Đáp lại “tấm thịnh tình” trên, Sửu được Bảo biếu 2.000 USD vào dịp tết nguyên đán. Vậy nhưng trước HĐXX, Sửu cho rằng những hành vi sai trái của mình cũng có mặt tốt.

Sửu giải thích, xấu là không tuân thủ Thông tư 03 (cấp visa khi doanh nghiệp chưa có thông báo giao hạn ngạch xuất khẩu) của Bộ Thương mại về việc “xé rào” cấp vượt số lượng trong khi nhiều doanh nghiệp khác đang “đói” visa, quota. Còn về mặt tốt, theo lý giải của Sửu là đã giải quyết được công ăn việc làm cho 12.000 công nhân tại các khu công nghiệp ở Hải Phòng lúc đó?!

Có một công thức chung cho êkíp giữ cửa quota tại Bộ Thương mại từ sếp đến lính là muốn có quota mà không “cho lộc” là không xong. Làm lớn thì “ăn dày” như Lê Văn Thắng, Mai Văn Dâu… còn làm nhỏ thì năm ba ngàn USD để xài như Mai Thanh Hải, Đặng Vũ Quang, Bùi Hồng Minh, Nguyễn Việt Phú…

Khi toà hỏi Minh, Quang, Phú có biết hành vi nhận phong bì đến năm bảy ngàn USD là phạm tội nhận hối lộ? Các bị cáo đều ngây thơ cho rằng đấy không phải là hối lộ mà là tiền doanh nghiệp “ban ơn”, và số tiền ấy nhỏ không nghĩa lý gì đối với doanh nghiệp.

Trong vụ này, Mai Thanh Hải bỏ túi hàng trăm triệu đồng tiền vòi vĩnh, Bùi Hồng Minh đã “nhận ơn” 2.000 USD của doanh nghiệp nhưng đấy chỉ là “bề nổi của tảng băng” tại Bộ Thương mại.

HĐXX cũng rất chú ý đến hành vi môi giới của Phan Nghĩa Hiệp và Trịnh Thị Hồng Điệp. Các bị cáo này là dân “ngoại đạo” nhưng biết tận dụng các mối quan hệ “to lớn” để nhận làm môi giới chạy quota.

Trước HĐXX, Phan Nghĩa Hiệp luôn khoe khoang cho mọi người biết mình có thừa các mối quan hệ với các ông lớn tầm cỡ Bộ trưởng trở lên. Hiệp là một kỹ sư nhưng lại hành nghề tư vấn cho doanh nghiệp trong thời kỳ “sốt” hạn ngạch nhờ có sẵn mối quen biết với Bộ trưởng và Thứ trưởng của Bộ này. Chính vì thế, khi nhận của chủ 3 doanh nghiệp là Lý Huệ Mẫn, Hậu Thiên Hoa, Chu Văn Đàn đến gần 29.000 USD nhưng Hiệp lại nghĩ mình “chẳng nhằm nhò gì”.

Hiệp khai mình bị “hớ” giá so với giá thị trường khi nhận của các công ty Phú Hoa, Thắng Hoành và Mc Call với giá 50% trên giá 2,8 USD/tá sản phẩm để chạy quota. Bị cáo Hiệp là người trả lời nhiều hơn những câu hỏi của chủ toạ. Hiệp cho rằng mình phải khai hết thì mới “fair play”. Theo bị cáo, vào thời điểm đó có rất nhiều hồ sơ xin hạn ngạch bị “vứt sọt rác” nên bị cáo mới ra tay… nghĩa hiệp!

Với Trịnh Thị Hồng Điệp là một người ít chữ, bị cáo không biết đọc, biết viết nhưng lại quen Lê Văn Thắng theo kiểu “lòng vòng”. Không bỏ lỡ cơ hội, tháng 8/2004 thông qua Phạm Anh Tuấn, Điệp đã nhận 2 bộ hồ sơ của công ty Phú Hoa và Hiệp Tường rồi khăn gói ra Bộ nộp cho Thắng.

Theo bị cáo: “anh Thắng nhận và ghi ghi gì đó tui hổng biết”. Sau đó 2 công ty trên được cấp quota. Điệp nhận 4.000 USD chia cho Tuấn 1.100 USD. Lần sau, trong khi lấy của Hiệp Tường 9.400 USD thì bị bắt.

Tại toà, bị cáo Điệp, với giọng nói đậm chất miền Tây quá xúc động nên khóc liên tục kể cả lúc không bị thẩm vấn. Trước HĐXX bị cáo khóc nhiều hơn trả lời làm cho toà chưa hỏi đến việc một người dân thường ít chữ sống tại Cần Thơ mà lại khá thân quen với Lê Văn Thắng ở Hà Nội để xin được hàng ngàn tá sản phẩm?!

Nhựt Lê

Dòng sự kiện: Vụ Mai Văn Dâu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm