1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TS Lê Kiên Thành: "Người Mỹ đã hiểu sai về Việt Nam" (P2)

(Dân trí) - Ông Lê Kiên Thành trăn trở: Quá khứ của quan hệ Việt – Mỹ có quá nhiều sai lầm đáng tiếc, chúng ta phải nhìn vào đó để tương lai không còn lặp lại như bi kịch của hai dân tộc…

Tiếp theo phần I cuộc trò chuyện với Tiến sĩ (TS) Lê Kiên Thành về người cha - cố Tổng Bí thư (TBT) Lê Duẩn và những nhận định của ông về mối quan hệ Việt Nam - Mỹ, Dân trí xin giới thiệu với bạn đọc phần II cuộc trò chuyện này, khi TS Lê Kiên Thành trả lời thẳng thắn về chuyện "ông nội đánh Mỹ, cháu nội du học tại Mỹ".

Thưa ông, trong quá khứ, triều đại nhà Nguyễn thời Minh Mạng đã gửi thư đến Tổng thống Mỹ với mong muốn mở rộng bang giao. Năm 1945, nước VNDCCH mới thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gửi thư cho Tổng thống Mỹ. Rồi đến giai đoạn cố TBT Lê Duẩn, dù rất mong muốn song diễn biến rất lâu, rất chậm. Theo ông, tại sao việc kết nối bang giao giữa hai nước lại gặp nhiều trắc trở như vậy?

Ông Lê Kiên Thành: Nhìn lại lịch sử ở vài sự kiện thì có thể thấy được một phần nguyên nhân lý giải cho việc  “khó khăn” khi ta và Mỹ “bắt tay” nhau. Bởi, Mỹ cũng đã từng không tin Việt Nam và Việt Nam cũng chưa tin Mỹ. Và giữa hai bên còn có nhiều khác biệt, tôi nghĩ thế!

Cách đây hai năm, trong một lần ngồi nói chuyện với một nhân vật quan trọng tại đại sứ quán Mỹ, trong đó có chủ đề liên quan đến sự cần thiết mở ra bang giao Việt – Mỹ, tôi hỏi ông ta: “Tại sao các ông chưa mời Tổng bí thư (TBT) của chúng tôi sang thăm Mỹ?”. Ông ta giải thích rằng, nước Mỹ còn có Quốc hội và các đảng phái khác nhau, chưa thể một sớm một chiều giải quyết cho thông suốt được. 

Tôi nói với ông ta rằng, nhiều nước khác cũng có nhiều đảng phái nhưng họ vẫn mời TBT của chúng tôi sang thăm. Các ông đã công nhận chính thể của Việt Nam thì các ông cũng phải hiểu rằng, ở Việt Nam người nắm giữ cương vị đứng đầu là TBT. Các ông đừng nhìn vào hình thức mà hãy nhìn vào thực chất. Quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia chỉ có thể kết nối nhanh chóng và mạnh mẽ nếu hai người có cương vị cao nhất của hai nước gặp nhau. Ông nhân viên đại sứ quán tỏ vẻ suy nghĩ nhiều.

Tôi rất mừng là nay Chính phủ Mỹ đã chính thức mời TBT Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ. Đó là bước tiến rất lớn dù có chậm một chút.  

Trong nội tình nước Mỹ vẫn còn những người thù địch chống Việt Nam. Nhưng về phía Việt Nam cũng có nhiều người có hàm ý, ám chỉ về nước Mỹ. Điều đó cho thấy hai phía vẫn còn nhiều điều chưa tin cậy nhau. Chỉ khi nào hai phía vượt qua sự nghi kỵ, đề phòng thì mới vượt qua hoàn toàn được. Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều nước trong công cuộc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Vì sao Mỹ chưa bán vũ khí cho Việt Nam? Vì sao? Tôi cho rằng một phần là vì Mỹ và một phần là vì Việt Nam, vì niềm tin cậy giữa hai bên chưa đủ lớn.  

Có phải cả hai phía chưa “khép lại được quá khứ” để bước tới hợp tác hướng tới tương lai?

Ông Lê Kiên Thành: Quá khứ của quan hệ Việt – Mỹ có quá nhiều sai lầm đáng tiếc, chúng ta phải nhìn vào đó để tương lai không còn lặp lại như bi kịch của hai dân tộc…

Theo tôi, khi nói “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, cần nên nhìn nhận: Chúng ta phải hiểu quá khứ để xây dựng một tương lai mới. Có như vậy,  mới có một tương lai vững chắc và sâu rộng được. Lịch sử dù có đau đớn cỡ nào thì nó vẫn tồn tại, liên quan mật thiết với hiện tại và tương lai…

Qua những lần tiếp xúc với phía Mỹ, ông nhận thấy người Mỹ đã nhận ra họ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác với Việt Nam ngay từ đầu chưa? Nhiều học giả Mỹ đã phát hiện ra nguyên nhân của  những sai lầm trong quá khứ đã khiến nước Mỹ lao vào cuộc chiến tranh Việt Nam, để lại hệ quả thảm khốc cho cả hai phía?

Ông Lê Kiên Thành: Trong một lần tiếp nhân viên đại sứ quán Mỹ, họ muốn tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến xung đột, chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ, tôi nói với họ thế này:  “Ngày xưa theo tôi hiểu các ông đánh Việt Nam vì cho rằng chúng tôi theo Liên Xô, theo Trung Quốc, đại diện cho quyền lợi của Liên Xô, Trung Quốc.  Nhưng ở đây chúng tôi muốn nói rằng, chúng tôi thắng các ông là do chúng tôi không nghe theo Liên Xô và Trung Quốc. Các ông đánh chúng tôi vì lý do đó nhưng chúng tôi thắng được các ông không vì lý do đó”. 

Và, “Việt Nam đối với Mỹ chỉ là một nước nhỏ xa xôi. Liên Xô và Trung Quốc giúp Việt Nam nhưng không phải giúp để Việt Nam thắng Mỹ. Khi chúng tôi thành công, đó có phải là một sai lầm lớn nhất của người Mỹ không? Các ông hiểu sai về chúng tôi ngay từ đầu. Thế nên chúng ta đừng khép lại lịch sử để đến ngày hôm nay các ông hiểu đúng về lịch sử đó, hiểu được lí do tại sao chúng tôi thành công để hai nước bước tiếp với nhau một bước vững vàng sau chiến tranh.

Ông Lê Kiên Thành (Ảnh: Phạm Nguyễn)
Ông Lê Kiên Thành (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Trở lại chuyện con trai ông từng đi du học ở Mỹ. Ông đã chuẩn bị như thế nào cho con trai mình trước khi qua Mỹ, với mục đích gì? Cháu học xong tự trở về nước hay có bị sức ép gia đình phải trở về?

Ông Lê Kiên Thành: Trước ngày cháu lên đường khoảng một tháng, tôi đưa cháu ra thăm Côn Đảo, nơi ba tôi cùng hàng vạn người Cộng sản khác đã từng bị giam cầm hành hạ ở đó. Tôi không nói rõ mục đích của chuyến đi nhưng tôi muốn cho cháu chứng kiến nơi những người Cộng sản bị đày ải, đó là địa ngục của địa ngục chứ không phải địa ngục của trần gian.

Mục đích của tôi là để khi cháu qua Mỹ, tiếp xúc với những cái hay nhất của Mỹ và chủ nghĩa tư bản, cháu cũng sẽ hiểu rằng chủ nghĩa tư bản đã để lại những điều xấu xa như thế chứ không phải toàn những điều tốt đẹp. Đương nhiên, chủ nghĩa tư bản đã trải qua nhiều thăng trầm, có những cái dở cái xấu trong lòng mà nó cũng đã và đang muốn khắc phục. 

Từ đó để chúng ta hiểu rằng, tư bản không phải tự nhiên mà như bây giờ. Nếu chỉ thấy một chiều thì tự dưng sẽ không thấy hết được ý nghĩa cuộc kháng chiến, giành độc lập tự do của chúng ta.

Gia đình ông có sợ bị áp lực của dư luận rằng“ông nội đánh Mỹ, cháu nội du học ở Mỹ” không?

Ông Lê Kiên Thành: Có một số ý kiến rất vô vị rằng, chúng ta đánh Mỹ xong giờ lại “bắt tay” với Mỹ. Nói như vậy là chưa hiểu hết lịch sử và những khúc quanh thăng trầm nhưng rất logic của lịch sử. Hiểu như thế thì làm sao giải thích được nước Mỹ đánh bại nước Nhật, ném bom nguyên tử xuống Nhật mà giờ hai nước trở thành đồng minh của nhau. Lịch sử luôn vận hành theo logic của lịch sử như vậy. 

Nhật với Mỹ là đồng minh, rất tin cậy nhau nhưng người Nhật vẫn hướng về nỗi đau, cả nước Nhật nguyền rủa hành động đó. Thủ tướng Nhật gõ tiếng chuông ngân vang gọi hồn những người đã mất và để những người còn sống đừng quên nỗi đau thương, mất mát to lớn đó.  Nước Mỹ đồng minh của Nhật biết rằng họ đã sai lầm.

Nước Mỹ còn đồng tình như vậy thì tại sao một số người trong chúng ta lại không hiểu hết giá trị của cuộc kháng chiến của chúng ta? Hoặc muốn quên đi những cuộc chiến tranh như chiến tranh biên giới phía Bắc? 

Sau thời gian du học ở Mỹ, ông nhận thấy con trai mình có cái nhìn như thế nào về đất nước này?

Ông Lê Kiên Thành: Tôi có hỏi con trai mình, sau thời gian du học ở Mỹ, con có muốn học thêm gì nữa không? Cháu trả lời không! Cháu cho biết không muốn sống ở nước Mỹ vì cháu đã được trải nghiệm ở một nơi có nhiều người da trắng giàu, nên phần nào đã hiểu được sự phân biệt rất lớn. Mỗi khi  cháu đi ra đường, cảnh sát gặp lập tức hỏi rằng: “Mày vào đây để làm gì?”. Sự phân biệt đối xử hãy còn trong lòng nước Mỹ. Dù nước Mỹ đã có vị Tổng thống da đen đầu tiên là ông Barack Obama nhưng còn rất lâu mới hoàn thiện là quốc gia đa chủng tộc. Nước Mỹ nhìn từ xa rất lung linh, đẹp đẽ. Nhưng sống trong lòng nước Mỹ thì sẽ nhận thức được rằng còn nhiều điều nước Mỹ phải khắc phục.

Sau nhiều cuộc tiếp xúc, trò chuyện với người Mỹ, tìm hiểu văn hóa Mỹ, ông có thể rút ra điều gì khi mở rộng hợp tác, bang giao với nước Mỹ ?

Ông Lê Kiên Thành: Chúng ta bắt tay với Mỹ nhưng phải hiểu được nước Mỹ như nó vốn đang tồn tại, có cái tốt đẹp để chúng ta học hỏi, nhưng cũng có những điều cần phải tiếp tục hoàn thiện. Chính người Mỹ nhận ra sâu sắc điều đó hơn chúng ta rất nhiều.  Cho nên khi nhìn vào một sự việc hay một đất nước, chúng  ta nên cố gắng nhìn hết vào các chiều của nó. Và chúng ta cũng phải hiểu hết những khía cạnh của chúng ta và đối tác của chúng ta. Có hiểu thế thì sẽ rất dễ đến với nhau, học hỏi nhau những điều đáng học, chấp nhận ở nhau những cái chúng ta còn có thể chấp nhận được, đấu tranh với nhau những cái mà chúng ta phải đấu tranh. Như vậy mới quan trọng, như thế sẽ có một tình hữu nghị bền vững lâu dài được.

Chúng ta nên xuất phát từ lợi ích của hai dân tộc. Ba tôi có câu nói mà tôi thích và nhớ mãi, đó là: Trong cuộc đời ông đi làm Cách mạng, để mọi người hiểu và đi theo ông, thì phải biết chờ đợi lẫn nhau. Chỉ thế thôi, có thể họ không hiểu mình cái gì đó, mình phải nhẫn nại chờ đợi để điều chỉnh suy nghĩ của nhau ...

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhìn lại chính mình để tự điều chỉnh, thay đổi theo hướng đi lên. Chứ nếu chúng ta yếu kém mãi thì cũng khó ai chơi được với chúng ta. Vì hợp tác là xuất phát từ lợi ích hai bên. Ta quá kém thì làm sao đem lại lợi ích cho đối tác của mình, phải không?

(Còn tiếp)

Duy Chiến – Việt Khuê thực hiện
Dòng sự kiện: 35 năm Đổi Mới