Con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: "Tôi lo lắng cho những điều tử tế" (P3)
(Dân trí) - “Bây giờ người ta nghĩ tử tế là người có tiền giúp đỡ người không tiền. Còn ngày xưa chúng tôi sơ tán đi học tại nông thôn, nông dân ở đó nghèo hơn chúng tôi nhưng lại giúp đỡ ngược lại".
Trong bất cứ lần trò chuyện nào với T.S Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, tôi biết rằng hướng đích đến đều là câu chuyện đất nước. Và lần này cũng không phải là ngoại lệ... Dân trí gửi tới độc giả phần cuối cùng của cuộc trao đổi với T.S Lê Kiên Thành.
Thưa ông, bước vào vũ đài thế giới, bên cạnh nhiều thách thức khó khăn thì cũng có nhiều cơ hội, thời cơ tốt cho chúng ta. Để “sánh vai cùng các cường năm châu” như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo ông, đâu là những việc chúng ta phải giải quyết từ bây giờ để những cơ hội không vuột khỏi tầm tay?
Ông Lê Kiên Thành: Tôi cho rằng bản thân chúng ta phải vượt qua những khó khăn của chính nước mình để đi lên vũ đài quốc tế. Chúng ta vẫn còn nghèo một cách vô lý như hiện nay thì chúng ta không thể nào đàng hoàng bước ra thế giới. Chừng nào chúng ta chưa giải phóng được tối đa sức mạnh của dân tộc, gồm cả trí tuệ, đoàn kết, sáng tạo và chưa tổ chức cuộc sống một cách hợp lý thì chúng ta chưa thể mạnh lên được.
Là người đã nếm trải qua những thăng trầm của đất nước hơn nửa thế kỷ qua, ông nhận thấy đâu là vấn đề đáng lo ngại hiện nay, thưa ông?
Ông Lê Kiên Thành: Con người VN cảm thấy hạnh phúc khi nào? Khi chúng ta đã có bình quân thu nhập khoảng 2.000 – 3.000 USD/người hay khi chúng ta chỉ có 200 – 300 USD/người mà thắng được nước lớn? Tôi cho rằng, vấn đề không phải đơn giản chỉ là phấn đấu lo cho bao nhiêu USD/người mà là phải tổ chức xã hội như thế nào cho hợp lý!
Đất nước chúng ta đã có một thời như vậy, thời B.52 vãi đạn bom khắp nơi mà con người tràn ngập niềm tin, ra đường không cần khóa cửa, gặp người lạ có thể mời vào nhà mà không chút lo lắng. Giờ không còn đạn bom, thu nhập cao hơn nhưng tại sao tình con người với nhau nhạt phai hết cả. Con người có thể làm hại nhau một cách ghê gớm. Chỉ vì một con chó bị ăn cắp cả làng xúm lại đánh chết người trộm chó không thương tiếc. Thử hỏi người ăn trộm chó có gan đánh chết con chó dã man như vậy không?
Điều đó cho thấy nếu chỉ đơn thuần là vật chất thì chưa chắc đã tạo ra hạnh phúc, chưa chắc tạo ra sự bền chặt gia đình, chưa chắc đã giáo dục được con cái.
Có điều gì đã làm phai đi những cái cốt lõi của dân tộc mà nhờ nó dân tộc ta mới có thể chiến thắng được tai họa, mới bảo vệ được đất nước. Đó là điều đáng phải suy nghĩ.
Vừa rồi, tôi có được tham gia trong chương trình “Chuyện tử tế” trên đài VTV, tôi nói như thế này: “Bây giờ người ta nghĩ tử tế là người có tiền giúp đỡ người không tiền. Còn ngày xưa chúng tôi sơ tán đi học tại nông thôn, nông dân ở đó nghèo hơn chúng tôi nhưng lại giúp đỡ ngược lại. Người khốn khó hơn lại giúp đỡ mình, mình mặc ấm hơn con họ, mình ăn cơm độn mỳ nhưng được nhiều hơn họ. Khi hợp tác xã chia khoai, chia sắn thì họ lại sẵn sàng cho mình vì họ nghĩ con họ nghèo khổ nhưng vẫn được sống với ba mẹ, còn mình thì phải xa nhà. Đó là cái tình cảm cao đẹp của người Việt Nam đến cao độ, họ sẵn sàng giúp những người không khó bằng họ, họ thấy được cái mà người kia không có từ con cái họ…
Vậy mà bây giờ đây, người ta có thể trói người ăn cắp chó lại, đánh cho tới chết. Nếu chỉ xảy ra ở một địa phương thì còn có thể gọi là hiện tượng. Đằng này nhiều nơi xảy ra như vậy, từ Bắc cho đến Nam. Tôi không thể hình dung, không thể tưởng tượng mọi người xúm lại đánh chết một thanh niên ăn trộm chó trong khi ông bố đang khóc, quỳ lạy xin tha mạng cho con. Tôi thấy thật đau lòng. Những tình cảm cao cả, cao thượng của người nông dân càng ngày càng mất mát đi, thật sự mình không hiểu lý do gì khiến cho như vậy!”.
Đó thật sự là điều bất ổn. Những giá trị làm nên phẩm giá cho dân tộc Việt Nam, đưa Việt Nam lên đỉnh cao giờ lại đang đi xuống. Chúng ta phải hiểu lại những giá trị cuộc sống, những giá trị tự do sáng tạo… đưa đến cho mọi người để phát huy tố chất cao đẹp cho con người Việt Nam.
Chúng ta bước lên vũ đài thế giới phải mang một tư cách khác, tư cách của con người hiểu được giá trị cuộc sống …
Phần “nhất thời” lo một, phần “vạn đại” lo nhiều …
Có thể hiểu rằng, để “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” thì chúng ta không thể không chấn hưng lại giá trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam. Vậy theo ông, chúng ta phải bắt đầu từ đâu?
Ông Lê Kiên Thành: Theo tôi, có rất nhiều điều chúng ta phải xử lý, khắc phục và đụng chạm đến cả lịch sử, văn hóa.
Thời gian qua Đảng ta đã đưa ra nhiều cảnh báo về sự suy thoái của cán bộ, Đảng viên. Điều đó cho thấy những vấn nạn đặt ra cho đất nước là lớn và phức tạp. Nhưng tôi lo rằng, đó chỉ là một phần. Người ta hay nói “Quan nhất thời, dân vạn đại”, cái phần “nhất thời” đó nguy hại thì có thể xử lý, thay thế bằng cái “nhất thời” khác tốt hơn. Còn phần “vạn đại” đi xuống thì nguy hại vô cùng. “Vạn đại” là kéo dài, xảy ra trong lòng xã hội, như mẹ giết con, cháu giết ông, chồng giết vợ… Con người trong xã hội đối xử với nhau như vậy thì chúng ta phải hiểu cái gì đang đẩy nhiều người trong xã hội ta đến tình trạng bạo lực phi nhân tính như vậy?
Tôi cho rằng, tại các diễn đàn, các hội nghị, những vấn đề đáng báo động này chưa được quan tâm thỏa đáng và đúng mức, chưa được đặt lên hàng đầu. Nhiều người mới chỉ quan tâm đến tăng trưởng kinh tế, tăng GDP. Những điều này không sai nhưng chưa đủ. Vì nó chỉ là phần bên ngoài. Còn phần cốt lõi bên trong, giá trị Việt Nam đang bị xuống dốc rất cần được quan tâm, báo động để chỉnh sửa, phục hồi phù hợp với tầm thời đại.
Ông có cho rằng hình như người Việt Nam chúng ta trong chiến tranh thì tình đoàn kết, gắn bó, yêu thương nhân ái tốt hơn thời bình?
Ông Lê Kiên Thành: Tôi không tin điều đó! Một dân tộc bình thường không biết thương yêu nhau thì trong chiến tranh lại càng không yêu thương nhau. Nếu trong một hoàn cảnh nào đó thì tình yêu thương nhân ái cao đẹp bị giảm mất đi, hoàn cảnh đó là gì? Là cách mình đang tổ chức cuộc sống xã hội. Nếu tổ chức cuộc sống xã hội không đúng thì nó sẽ ra như vậy. Bởi, đúng ra trong chiến tranh đã tốt như thế thì bình thường phải càng tốt nhiều hơn.
Cá nhân tôi thì không tin rằng chỉ có chiến tranh mới thúc đẩy những đức tính tốt của người Việt Nam ta. Lịch sử Việt Nam cho thấy thời kỳ không có chiến tranh rất ít, chiến tranh nó cứ triền miên như vậy, cho đến thế hệ tôi, nhìn lại vẫn thấy rằng, phần lớn người Việt sống trong chiến tranh. Nhưng tôi luôn tin rằng người Việt chúng ta với tình yêu thương cao đẹp tạo nên giá trị và sức mạnh cho dân tộc Việt Nam như vậy thì sẽ không có lí do gì mà sau chiến tranh lại không thể gìn giữ, phát huy vẻ đẹp và sức mạnh đó.
Đây là lúc chúng ta cần phải phát huy, tạo sức mạnh từ từng con người Việt Nam, từ tâm hồn ra tới bên ngoài để cùng sánh vai với bè bạn, cường quốc năm châu!
Xin cảm ơn ông!
Duy Chiến – Việt Khuê thực hiện