1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Truy” Bộ trưởng Thăng về tai nạn trên những tuyến đường đang thi công?

(Dân trí) - Liên tiếp những vụ tai nạn đau lòng xảy ra trên các tuyến đường vừa thi công vừa khai thác như vụ thai nhi văng khỏi bụng mẹ, sắt rơi từ công trường đường sắt trên cao… đã thành chuyện thời sự đặt ra với Bộ trưởng Đinh La Thăng trong phiên chất vấn chiều nay, 18/11.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng báo cáo, trước thời điểm đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, ông nhận được 10 phiếu chất vấn của đại biểu. Ông Thăng cũng chuẩn bị báo cáo giải trình về 3 nhóm vấn đề đặt ra cho phiên chất vấn của mình (giải pháp đảm bảo chất lượng công trình giao thông, giảm suất đầu tư, tiến độ thi công Quốc lộ 1A; giải pháp hạn chế tai nạn; quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện).

Vấn đề chưa từng hạ nhiệt suốt thời gian qua – tai nạn giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng báo cáo, trong 9 tháng đầu năm này, có 45 tỉnh thành giảm số người chết vì tai nạn giao thông, trong đó 11 địa phương giảm trên 20% số người chết. Tuy nhiên, vẫn còn 14 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó 5 tỉnh tăng trên 25%.

Bộ trưởng Thăng tháo gỡ khó khăn tại dự án đang thi công (Ảnh: Như Quỳnh)
Bộ trưởng Thăng tháo gỡ khó khăn tại dự án đang thi công (Ảnh: Như Quỳnh)

Mặc dù số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn đã giảm sâu so với giai đoạn các năm trước nhưng theo Bộ trưởng Thăng vẫn còn ở mức cao. Tai nạn trên địa bàn nông thôn gia tăng, còn xảy ra một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe mô tô, xe gắn máy; công tác bảo đảm an toàn giao thông vẫn còn một số hạn chế, tồn tại.

Nhiều giải pháp cụ thể được vị tư lệnh ngành điểm qua. Trong đó, đối với yêu cầu đảm bảo an toàn, hạn chế tai nạn khi vừa thi công vừa khai thác đường bộ, Bộ trưởng Thăng nhắc đến dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên. Vì địa bàn thi công phức tạp, giải pháp kiểm soát tốt nhất là đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.

Bộ GTVT cũng chủ động phối hợp với các địa phương triển khai đề án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn 50 tỉnh thành.

Trên các công trình đường bộ vừa thi công, vừa khai thác, Bộ trưởng Thăng cũng cho biết, Bộ đã yêu cầu các nhà thầu lập phương án bảo đảm an toàn giao thông tổng thể, chi tiết trong phạm vi tổ chức thi công trên từng đoạn tuyến, từng hạng mục; tuân thủ đúng phương án đảm bảo an toàn được phê duyệt; bố trí đầy đủ biển báo, đèn báo hiệu; thực hiện kiểm soát chặt chẽ về nhân sự, lao động, phương tiện, thiết bị khi thi công… theo quy định.

“Đối với các dự án nâng cấp, mở rộng đường bộ luôn phải bảo đảm thông suốt cho 2 làn xe lưu thông trong mọi tình huống, tăng cường công tác bảo trì mặt đường cũ để bảo đảm giao thông êm thuận...” – báo cáo giải trình của người đứng đầu ngành GTVT nêu rõ.

Cơ quan chức năng được yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các chủ thể tham gia quản lý, thực hiện dự án về công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường khi thi công trên đường bộ đang khai thác; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, Bộ GTVT phối hợp với UB an toàn giao thông quốc gia xây dựng và vận hành có hiệu quả đường dây nóng quốc gia về trật tự an toàn giao thông nhằm tăng cường khả năng phối hợp xử lý khi tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Thăng cũng nhắc đến giải pháp nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục kịp thời các điểm đen, các vị trí mất an toàn giao thông trên đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; rà soát điều chỉnh, bổ sung hợp lý hệ thống báo hiệu đường bộ, thiết bị an toàn giao thông, bổ sung rào hộ lan, đường cứu nạn trên các tuyến đường bộ qua khu vực đèo dốc quanh co.

Bộ GTVT cũng yêu cầu tăng cường thực hiện công tác thẩm định an toàn giao thông đối với các dự án xây dựng mới, nâng cấp cải tạo đường bộ và các tuyến đường bộ đang khai thác có nguy cơ mất an toàn giao thông cao; triển khai Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt đến năm 2020.
 
Chiếc cẩu làm rơi 2 thanh thép xoắn...
Vụ tai nạn rơi thanh sắt tại công trình đường sắt trên cao khiến một người tử vong (Ảnh: Nguyễn Dương)

Ngoài ra, giải pháp cơ bản khác được ông Thăng đề cập là cải thiện chất lượng quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện và người lái; tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện trước khi rời cảng; tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo, quy trình sát hạch và đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ điều khiển phương tiện thủy nội địa, tàu biển theo hướng nâng cao tiêu chuẩn; tăng cường công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho công tác giám sát và hậu kiểm.

Bộ cũng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động của các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch, trung tâm đăng kiểm; tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động và phòng, chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm.

Nhấn mạnh mục tiêu “tính mạng con người là trên hết”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định sẽ triển khai các giải pháp quyết liệt, đồng bộ trên, tiếp tục thực hiện năm 2015 là Năm “An toàn giao thông” có chủ đề “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”.

Để nâng cao chất lượng công trình, Bộ GTVT đã ban hành và áp dụng Quy định xử lý trách nhiệm cá nhân; Quy định hành vi và hình thức xử lý vi phạm tiến độ, chất lượng; Quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các ban quản lý dự án đối với các dự án BOT và BT; Quy định những điều ban quản lý dự án không được làm...

Theo đó, từ đầu năm 2014 đến nay, Bộ đã nghiêm khắc xử lý 14 nhà thầu thi công, 5 nhà thầu tư vấn thiết kế, 10 nhà thầu tư vấn giám sát và 4 ban quản lý dự án có vi phạm chất lượng, tiến độ.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm