1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trưởng phòng Pháp chế ngân hàng "kiêm" Chủ tịch HĐQT Công ty đấu giá (!)

(Dân trí) - Ông Nguyễn Việt Hưng ngoài vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty đấu giá Nam Sài Gòn, còn là Trưởng phòng Pháp chế, Phó trưởng phòng Hành chính nhân sự Agribank Chợ Lớn.

Như Dân trí đã thông tin, Thanh tra Bộ Tư pháp vừa chỉ ra nhiều vi phạm trong quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản là các quyền sử dụng đất của dự án khu dân cư Mỹ Phước 4 và khu dân cư Cầu Đò (tỉnh Bình Dương) liên quan trực tiếp tới Công ty cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (TPHCM), Văn phòng Công chứng Mỹ Phước (Bình Dương) và Ngân hàng Agribank Chợ Lớn (TPHCM).

Căn cứ ba hợp đồng tín dụng, Thanh tra Bộ Tư pháp cho biết tổng số tiền Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thiên Phú (trụ sở tại thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) vay của Ngân hàng Agribank Chợ Lớn là 599 tỷ đồng và 18.634,3 lượng vàng SJC.

Trưởng phòng Pháp chế ngân hàng kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty đấu giá (!) - 1

Agribank Chợ Lớn.

Để đảm bảo khoản vay, Công ty Thiên Phú đã ký hợp đồng thế chấp cho Agribank Chợ Lớn diện tích đất của dự án khu dân cư Mỹ Phước 4, diện tích đất của dự án khu dân cư Cầu Đò và dự án khu dân cư Hoà Lân.

Tháng 6/2014, Agribank Chợ Lớn và Công ty Cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty Nam Sài Gòn) ký hợp đồng để bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ.

Vừa làm Trưởng phòng Pháp chế, vừa làm Chủ tịch HĐQT

Hồ sơ, tài liệu thu thập được của Thanh tra Bộ Tư pháp chưa đủ cơ sở kết luận có việc thông đồng, dìm giá trong việc đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, Thanh tra Bộ Tư pháp phát hiện, Công ty cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn được thành lập lần đầu ngày 15/7/2013. Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, công ty này có 3 cổ đông góp vốn thành lập, trong đó ông Nguyễn Việt Hưng là cổ đông sáng lập, sở hữu 76% tỷ lệ cổ phần (tương ứng 2,28 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Việt Hưng ngoài vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn, còn là Trưởng phòng Pháp chế, Phó trưởng phòng Hành chính nhân sự tại Ngân hàng Agribank Chợ Lớn.

Giải trình với đoàn thanh tra, ông Hưng cho biết, ông là 1 trong 6 cổ đông sáng lập của công ty nhưng không trực tiếp điều hành. Để phục vụ hoạt động của công ty thì các cổ đông phải đi tìm khách hàng để ký kết hợp đồng bán đấu giá.

Do vậy, tại thời điểm tháng 9/2008, khi ông Hưng đang làm việc tại Agribank Chợ Lớn (cán bộ pháp chế) đã đề nghị ngân hàng ký hợp đồng bán đấu giá tài sản với Công ty cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn để bán đấu giá dự án Khu dân cư Cầu Đò và Mỹ Phước 4.

Qua hồ sơ đấu giá, Thanh tra Bộ Tư pháp không thấy có tài liệu thể hiện ông Nguyễn Việt Hưng tham gia trực tiếp vào việc đấu giá các tài sản nói trên.

Tuy nhiên, Thanh tra Bộ Tư pháp đã kiến nghị Ngân hàng Agribank kiểm tra và có hình thức xử lý phù hợp (nếu có vi phạm) theo đúng quy định pháp luật và quy định của Agribank đối với sự việc này.

Trưởng phòng Pháp chế ngân hàng kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty đấu giá (!) - 2

Dự án Hoà Lân ở tỉnh Bình Dương (Ảnh: KTĐT).

Nhiều vi phạm nhưng chỉ phải “rút kinh nghiệm” (?!)

Thanh tra Bộ Tư pháp khẳng định, Công ty cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn đã có một số tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản là các quyền sử dụng đất của dự án khu dân cư Mỹ Phước 4 và khu dân cư Cầu Đò: Diện tích quyền sử đụng đất giữa Chứng thư thẩm định giá và kết quả bán đấu giá không thống nhất; hồ sơ không có tài liệu thể hiện niêm yết thông báo bán đấu giá tại địa điểm theo quy định của pháp luật; chưa đảm bảo chặt chẽ trong việc người đăng ký tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước khi thời hạn nộp tiền đã hết.

Công ty này cũng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong việc thực hiện hợp đồng đấu giá đã ký kết với Agribank Chợ Lớn; nhận thức chưa đúng về tài sản đấu giá dẫn đến việc thông báo bán đấu giá tài sản không được chuyển nhượng.

Tuy nhiên, Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ yêu cầu công ty này tổ chức rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 8/5/2020.

Khởi tố 3 lãnh đạo Công ty Thiên Phú

Cuối tháng 3 vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C03) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 lãnh đạo Công ty Thiên Phú để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bước đầu xác định, Bùi Thế Sơn- Giám đốc Công ty Thiên Phú đã chỉ đạo 2 Phó giám đốc là Trần Văn Tấn và Đặng Bình Anh Trọng lập khống danh sách 14 hộ dân nằm trong diện đền bù, bồi thường tái định cư của Dự án khu dân cư Hòa Lân (phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) để chiếm đoạt 29,8 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh (trụ sở tại TPHCM).

Được biết, năm 2002, Công ty Thiên Phú được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho thực hiện dự án khu dân cư Hòa Lân. Sau đó, doanh nghiệp này thế chấp đất dự án để vay Agribank Chợ Lớn nhưng không có khả năng trả nợ. Do đó, Công ty Thiên Phú đã ký biên bản giao tài sản thế chấp để Agribank Chợ Lớn xử lý thu hồi nợ.

Tháng 5/2017, Agribank Chợ Lớn và Công ty Nam Sài Gòn tiến hành bán đấu giá quyền sử dụng đất dự án khu dân cư Hòa Lân. Kết quả, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh đã trúng đấu giá với tổng số tiền 1.353 tỉ đồng.

Sau đó, Công ty Kim Oanh đã cùng với Agribank Chợ Lớn, Công ty Nam Sài Gòn, Công ty Thiên Phú ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.

Quá trình thực hiện tái định cư căn cứ theo hồ sơ, chứng từ mà Công ty Thiên Phú cung cấp, Công ty Kim Oanh đã chi trả cho 14 hộ dân theo giá trị quyền sử dụng đất tái định cư gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua xác minh cho thấy danh sách của 14 hộ dân này đều là khai khống.

Thế Kha