Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: Nghiên cứu 6 nội dung kết hợp quân dân y
(Dân trí) - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cần nghiên cứu, làm rõ 6 nội dung, giải pháp để việc kết hợp quân dân y đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thời kỳ mới.
Ngày 10/12, tại Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) diễn ra Hội thảo khoa học "30 năm kết hợp quân dân y trên biển, đảo".
Quân dân y là đặc thù của ngành y tế Việt Nam
Hội thảo được tổ chức sau khi kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) vừa diễn ra, cũng như người dân cả nước đang chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19. Ngoài ra, đây cũng là hoạt động kỷ niệm 30 năm Chương trình kết hợp quân dân y (1991-2021).
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban quân dân y cấp bộ Nguyễn Trường Sơn cho biết, kết hợp quân dân y là một đặc thù của ngành y tế Việt Nam, là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội. Đây cũng là giải pháp hiệu quả trong công tác dân vận, nhất là khu vực vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, nước ta có 28 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương có biển, với 125 huyện ven biển và 12 huyện đảo với hơn 3.000 đảo lớn nhỏ. Đây là những đơn vị hành chính đóng vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Do vậy, phát triển mạng lưới y tế, bảo đảm chăm sóc sức khỏe của nhân dân vùng biển, đảo là nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng.
Thời gian qua, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã gây tổn hại lớn đến sức khỏe, tính mạng và đời sống của nhân dân và sản xuất kinh doanh. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", các hoạt động kết hợp quân - dân y được triển khai tích cực, phát huy sức mạnh tổng hợp của ngành y tế, cả quân y và dân y trong công tác phòng, chống dịch.
6 nội dung kết hợp quân dân y cần nghiên cứu, làm rõ
Để việc kết hợp quân - dân y đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cần tập trung nghiên cứu, làm rõ 6 nội dung, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, phải thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới gắn với Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Tập trung xây dựng và phát huy mạnh mẽ hơn nữa "thế trận lòng dân", trong đó cần chú trọng tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mô hình kết hợp quân - dân y ở biển, đảo.
Thứ hai, các ngành, các cấp cần chủ động thể hiện một tinh thần nghiên cứu sáng tạo, đổi mới hơn nữa; nâng cao chất lượng huấn luyện đào tạo, chất lượng diễn tập, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới hơn nữa về phương thức để phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe của quân và dân; phải nghiên cứu đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với y tế biển, đảo.
Thứ ba, Chương trình kết hợp quân - dân y phải bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố mạng lưới y tế cơ sở trên các vùng biển, đảo theo phương thức tăng cường sử dụng lực lượng tại chỗ; phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế quân dân y để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của bộ đội và nhân dân.
Ngoài ra, phải bảo đảm triển khai ứng dụng nền tảng hỗ trợ, tư vấn khám chữa bệnh từ xa ở các xã đảo, huyện đảo để nhân dân và bộ đội được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Thứ năm, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những sáng kiến, kinh nghiệm, mô hình mới, cách làm hay; biểu dương những điển hình tiên tiến trong kết hợp quân - dân y, tạo phong trào thi đua thiết thực, phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp của quân dân y trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng tiềm lực kinh tế quốc phòng và đảm bảo quốc phòng an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ sáu, quân dân y Việt Nam phải hướng tới có nhiều hoạt động hiệu quả hơn nữa đối với công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trên lĩnh vực quốc phòng an ninh gắn với lĩnh vực y tế, nhất là công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, công tác phối hợp diễn tập, các hoạt động nhân đạo.