1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trung tâm dữ liệu quốc gia được Bộ Công an đề xuất có gì đặc biệt?

Thế Kha

(Dân trí) - Trung tâm dữ liệu quốc gia phải xứng tầm thế giới, trở thành một trụ cột quan trọng phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia và giải quyết, tháo gỡ các điểm nghẽn...

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia đang được Bộ Tư pháp thẩm định, yêu cầu sản phẩm tạo ra phải là công cụ giải quyết, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo đột phá trong phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống cơ sở dữ liệu trong tương lai.

Trung tâm dữ liệu quốc gia được Bộ Công an đề xuất có gì đặc biệt? - 1

Trung tâm dữ liệu quốc gia được kỳ vọng trở thành công cụ giải quyết, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo đột phá trong phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia (Ảnh minh họa: Bộ Công an).

Trung tâm tích hợp dữ liệu liên quan đến con người

Trung tâm dữ liệu quốc gia phù hợp với xu thế, xứng tầm thế giới và trở thành một trụ cột quan trọng phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Nơi đây tập hợp các thông tin, dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia và trở thành một trung tâm tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ và điều phối thông tin, phân tích dữ liệu lớn (Bigdata) về con người.

"Dữ liệu liên quan đến con người bao gồm các thông tin đã được số hóa có nội dung gắn với con người, gồm: dữ liệu dân cư, bảo hiểm, y tế và an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo, cán bộ công chức, viên chức, căn cước, hộ tịch, hoạt động tài chính, và các hoạt động khác từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở dữ liệu khác", dự thảo nghị quyết nêu.

Mục tiêu của đề án, đến năm 2025 hoàn thành xây dựng, triển khai ngay việc tổng hợp dữ liệu liên quan đến công dân Việt Nam và người nước ngoài sinh sống, có hoạt động tại Việt Nam.

Từ năm 2026, triển khai thực hiện phân tích dữ liệu chuyên sâu hỗ trợ công tác xây dựng cơ chế chính sách, quy hoạch chiến lược phát triển quốc gia; đồng thời tạo điều kiện phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ mới trên nền các dữ liệu số được khai thác từ các kho dữ liệu dùng chung và kho dữ liệu mở.

Cơ quan đề xuất kỳ vọng đến năm 2025 có tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân, tổ chức và đơn vị chỉ phải nhập dữ liệu một lần.

Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ giúp cắt giảm tối thiểu 20% thành phần hồ sơ thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước so với hiện nay. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%.

Đến năm 2030, 90% số lượng người dân, doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 95%.

Lộ trình xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia

Bộ Công an sẽ đầu tư, xây dựng các tòa nhà, hạ tầng dùng chung của các Trung tâm dữ liệu quốc gia theo từng giai đoạn.

Mỗi Trung tâm dữ liệu quốc gia bao gồm tòa Trung tâm dữ liệu cho vùng chuyên dụng, tòa Trung tâm dữ liệu cho vùng dùng chung, các hạng mục dùng chung như hạ tầng cơ bản, các tòa nhà làm việc, hệ thống điện, đường truyền, các lớp an ninh vật lý.

Theo lộ trình, Trung tâm dữ liệu quốc gia số 01 hoàn thành trước năm 2025. Trong năm 2026-2027 xây dựng và lắp đặt thiết bị, hệ thống tại Trung tâm dữ liệu quốc gia số 2 để bảo đảm tính dự phòng, năng lực xử lý, chất lượng đường truyền và tối ưu nguồn nhân lực.

Đồng thời hoàn thiện xây dựng và bổ sung năng lực hạ tầng theo nhu cầu cho Trung tâm xử lý dữ liệu số 01 tại Hòa Lạc (Hà Nội).

Triển khai dự án chuyển thiết bị phục vụ dự phòng Trung tâm dữ liệu quốc gia Hòa Lạc đang đặt tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Trung tâm dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương sang Trung tâm dữ liệu quốc gia số 2.

Trong năm 2028 triển khai và hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư 2 dự án: Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia số 3 và dự án công nghệ thông tin cho trung tâm này.

Các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện đầu tư thiết bị, giải pháp và tích hợp vào các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công nghệ tại Trung tâm dữ liệu quốc gia để xây dựng, phát triển hệ thống thông tin của đơn vị mình theo hướng dẫn, tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Công an.

Kinh phí thực hiện đề án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các địa phương bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của đề án trong dự toán ngân sách hàng năm…

Chính sách thu hút nhân tài

Tại hồ sơ gửi tới Bộ Tư pháp, Bộ Công an đánh giá, lĩnh vực công nghệ thông tin có tính chất đặc thù, đòi hỏi độ khó cao trong xử lý công tác chuyên môn. Thị trường lao động luôn sẵn sàng đáp ứng mức thu nhập rất cao đối với nhóm lao động đặc biệt này.

Để cạnh tranh, thu hút được các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin tham gia vào triển khai các hoạt động của Trung tâm dữ liệu quốc gia, Bộ Công an đề xuất cho áp dụng cơ chế chính sách tại Nghị quyết số 27-NQ/TW/2018 của Ban Chấp hành Trung ương: "Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyết định mức chi trả thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao".

Ngoài ra, Bộ Công an đề xuất cơ chế được sử dụng nguồn thu phí, lệ phí và nguồn thu sự nghiệp để hỗ trợ chi trả chế độ bồi dưỡng chính sách cho cán bộ Trung tâm dữ liệu quốc gia theo quy định của pháp luật.