1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với dữ liệu dân cư quốc gia

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Tài nguyên và Môi trường kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Chiều qua 29/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lễ kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; ký kết chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường giai đoạn 2022-2026 giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an.

Kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với dữ liệu dân cư quốc gia - 1

Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà chủ trì buổi lễ (Ảnh: Khương Trung).

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định sự kiện sẽ đánh dấu giai đoạn mới trong hợp tác của hai Bộ nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Với sự quan tâm phối hợp hiệu quả của Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách pháp luật, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng; khơi thông, giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Đến nay ngành tài nguyên và môi trường đã hoàn thành số hóa, đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu ở 397/705 đơn vị cấp huyện với 43 triệu thửa đất. Trong đó đã kết nối chia sẻ 18 trường thông tin ở 56/63 tỉnh, thành phố; 316/705 đơn vị cấp huyện, 4.076/10.599 đơn vị cấp xã với hơn 24 triệu thửa đất và số lượng kết nối đang tiếp tục tăng.

Các dịch vụ công trực tuyến sử dụng dữ liệu dân cư được triển khai trong đó thủ tục "Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ)" đã được triển khai tại 50/63 tỉnh, thành phố..

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, việc ký kết quy chế phối hợp cùng với việc thực hiện kết nối dữ liệu đất đai với dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ là những dấu mốc mới cho quan hệ hợp tác ngày một hiệu quả hơn giữa hai Bộ và hai ngành.

Trong khi đó, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an chia sẻ, hai Bộ đã rất tích cực phối hợp trong các vấn đề về môi trường và đạt được nhiều kết quả.

Bộ trưởng Tô Lâm hy vọng cơ sở dữ liệu kết hợp không chỉ tạo ra thuận lợi công tác quản lý mà còn tạo ra tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. "Việc ký kết giữa hai Bộ rất có ý nghĩa trong việc phục vụ xã hội số và công tác chuyển đổi số. Bộ Công an sẵn sàng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình kết hợp dữ liệu", Đại tướng Tô Lâm nói.

Đại tướng Tô Lâm cũng khẳng định, việc ký kết chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường sẽ tạo điều kiện phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý về môi trường, tạo cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường phong phú hơn, sâu sắc hơn và chất lượng hơn.

Kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với dữ liệu dân cư quốc gia - 2

Lãnh đạo các bộ ngành tham nghi thức kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Ảnh: Khương Trung).

Văn bản điện tử gắn ký số đạt xấp xỉ 100%.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam rà soát, cập nhật, quản lý dữ liệu đất đai, nhà ở, địa chỉ... kết nối, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ này cũng vận hành hệ thống hồ sơ điện tử phục vụ chỉ đạo điều hành, xử lý hồ sơ, ký số hoàn toàn trên môi trường mạng đảm bảo văn bản xử lý theo thời gian thực (không còn tồn tại tình trạng lấy số trước). Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xử lý, giải quyết trên 301.500 văn bản đến, 69.400 hồ sơ, văn bản đi; tỷ lệ văn bản điện tử gắn ký số đạt xấp xỉ 100%.

Trong khi đó, ngày 1/7/2021, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng được vận hành với 17 trường thông tin của 98,7 triệu công dân được số hóa. Đây được xem là dữ liệu gốc, một trong các tài nguyên số của quốc gia.

Từ cơ sở dữ liệu quan trọng này, Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân, đồng thời đã triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân có gắn chip điện tử với nhiều ưu điểm nổi bật cho công dân.

Việc kết nối Cơ sở dữ liệu dân cư và Cơ sở dữ liệu đất đai sẽ giúp người dân tra cứu được các thông tin về đất đai; cơ quan nhà nước quản lý được các biến động về dân cư và đất đai trên môi trường điện tử. Đó là những dữ liệu đầy đủ, sống, sạch phục vụ quản lý, người dân và an ninh quốc gia.

Dự kiến tới tháng 6/2023 sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai của 454/705 huyện tại các địa bàn đông dân, đến hết năm 2023 đạt 550 huyện.