1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trung tá công an kể giây phút giải cứu người mắc kẹt ở Thổ Nhĩ Kỳ

Quân Đỗ Nguyễn Hải

(Dân trí) - "Tới khi đưa được nạn nhân ra ngoài, tôi và đồng đội vô cùng xúc động, cảm giác không thể diễn tả bằng lời" - Trung tá Nguyễn Chí Thành kể giây phút cứu người gặp nạn khỏi đống đổ nát ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau hơn 7 ngày làm việc, tại Thổ Nhĩ Kỳ, với tinh thần khẩn trương, tích cực, chiều 19/2, đoàn công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của Bộ Công an Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ, về tới sân bay Nội Bài.

Giây phút không quên trong cuộc đời cứu nạn, cứu hộ

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, sau khi vừa đáp xuống sân bay, Trung tá Nguyễn Chí Thành - Phó Đội trưởng Đội CNCH Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và CNCH Công an TPHCM cảm thấy vô cùng vinh dự, xen lẫn vui mừng, hạnh phúc.

Trung tá Thành kể, trên đường về nước, đoàn được nước bạn đưa tiễn rất trang trọng và ghi nhận công lao, đóng góp của đoàn CNCH Việt Nam và đó là niềm vinh dự, tự hào to lớn.

Kỉ niệm mà Trung tá Thành và nhiều đồng đội không thể quên khi CNCH tại Thổ Nhĩ Kỳ là thời khắc phát hiện sự sống dưới đống đổ nát sau 6 ngày bị vùi lấp. Ngay lập tức, lực lượng cứu hộ tìm cách nói chuyện, phát tín hiệu với nạn nhân để xác định rõ vị trí, thực hiện quy trình giải cứu.

"Bản thân tôi đã tiếp cận được với nạn nhân và trao đổi trực tiếp. Giây phút đấy thật thiêng liêng, không thể quên được trong cuộc đời làm cứu nạn, cứu hộ của tôi. 

Tới khi đưa được nạn nhân ra ngoài, tôi và đồng đội vô cùng xúc động, không thể diễn tả bằng lời", Trung tá Thành kể lại giây phút cứu nạn nhân 17 tuổi mắc kẹt trong đống đổ nát tại Thổ Nhĩ Kỳ, đưa ra ngoài an toàn.

Theo Trung tá Thành, trước khi đến Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện nhiệm vụ các cán bộ, chiến sĩ đã xác định rõ những khó khăn phải đối mặt nên tư tưởng, tinh thần thoải mái, với quyết tâm cứu được nhiều nạn nhân nhất có thể. 

Trung tá công an kể giây phút giải cứu người mắc kẹt ở Thổ Nhĩ Kỳ - 1

Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an trao Bằng khen của Bộ trưởng tặng các cán bộ, chiến sỹ đội tìm kiếm CNCH hoàn thành nhiệm vụ trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Quân Đỗ)

Khi tới Thổ Nhĩ Kỳ, quãng đường di chuyển từ sân bay tới khu vực xảy ra động đất nghiêm trọng cách khoảng 300km đường đèo, dốc và kẹt xe nên mất nhiều thời gian.

Ngoài ra, thời tiết tại Thổ Nhĩ Kỳ rất khắc nghiệt, nhiệt độ dao động từ -4 đến -6 độ C, đoàn phải sinh hoạt trong điều kiện không có điện, phải ở trong lều dã chiến.

Trong những ngày tham gia CNCH tại Thổ Nhĩ Kỳ, Trung tá Thành cũng như các đồng đội rất cảm kích trước tình cảm mà người dân dành cho đoàn.

"Đi đâu thấy đoàn chúng tôi, người dân cũng cúi đầu, vỗ tay cảm tạ. Cảm xúc đó rất tự hào. Thật tuyệt vời Việt Nam!" - Trung tá Thành bày tỏ.

Kinh nghiệm cứu hộ trong thảm họa liên hoàn

Xúc động trước sự đón tiếp nồng nhiệt của lãnh đạo Bộ Công an và các cơ quan chức năng khi đoàn về tới sân bay Nội Bài, Đại úy Đỗ Hoàng Thanh, giảng viên Khoa Cứu nạn cứu hộ Đại học PCCC cho biết, môi trường CNCH tại Thổ Nhĩ Kỳ rất khốc liệt với nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng với kinh nghiệm và bản lĩnh đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Những ngày tại Thổ Nhĩ Kỳ, giảng viên này đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu phục vụ cho công tác giảng dạy sau này. Trong đó, anh Thanh cho rằng, phải thường xuyên trau dồi, nghiên cứu các thiết bị để làm sao có thể áp dụng linh hoạt trong từng điều kiện, môi trường khác nhau.

Trung tá công an kể giây phút giải cứu người mắc kẹt ở Thổ Nhĩ Kỳ - 2

Đoàn công tác về đến sân bay Nội Bài chiều 19/2. (Ảnh: Quân Đỗ)

Theo Đại úy Thanh, ở môi trường tìm kiếm đông người, nhiều đoàn đến từ các quốc gia khác nhau thì khả năng về ngôn ngữ là yếu tố vô cùng cần thiết để có thể thống nhất các phương án CNCH nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân, đồng đội cũng như người gặp nạn. 

Bên cạnh đó, việc CNCH ở nước ngoài rất khác trong nước nhất là về khí hậu khi nhiệt độ luôn ở mức dưới 0 độ C, điều kiện bảo hộ thiếu thốn.

"Điều khác biệt lớn hơn cả là hoạt động cứu hộ trong nước, các vụ việc chỉ xảy ra ở mức độ nhỏ lẻ, còn ở Thổ Nhĩ Kỳ là thảm họa liên hoàn với hàng loạt hiện trường. 

Các cán bộ, chiến sĩ vừa làm việc ở hiện trường này nhưng vẫn phải quán xuyến các hiện trường khác xung quanh bởi nguy hiểm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào" - Đại úy Thanh nêu những điểm khác biệt giữa việc tham gia công tác CNCH ở Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi có lệnh điều động của Bộ Công an, bản thân Đại úy Thanh cũng như các thành viên trong đoàn cảm thấy rất vinh dự, tự hào khi được tin tưởng, giao phó thực hiện nhiệm vụ quốc tế.

Trung tá công an kể giây phút giải cứu người mắc kẹt ở Thổ Nhĩ Kỳ - 3

Đại úy Đỗ Hoàng Thanh là giảng viên Khoa Cứu nạn cứu hộ Đại học PCCC (Ảnh: Quân Đỗ).

"Đến hiện trường, đoàn cảm thấy rất tự hào khi được người dân Thổ Nhĩ Kỳ đón tiếp nhiệt tình, được phục vụ một cách tốt nhất trong công tác CNCH.

Có những người dân khi biết đoàn cứu hộ của Việt Nam tới nhiệt liệt hoan nghênh và có sự ủng hộ nhất định từ tinh thần đến những bữa ăn nhỏ khi chúng tôi chuẩn bị về nước" - Đại úy Thanh kể về những tình cảm mà người dân nước bạn Thổ Nhĩ Kỳ gửi cho đoàn.