1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trưng cầu ý dân những vấn đề Quốc hội không dám tự quyết

(Dân trí) - Trả lời cho câu hỏi có “vùng hạn chế” cho những nội dung đưa ra trưng cầu ý dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu nguyên tắc, với những vấn đề Quốc hội thấy cần phải thận trọng, không dám tự quyết định mới xin ý kiến nhân dân.

Ngày 11/8, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến Luật Trưng cầu ý dân. Dự luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9 hồi tháng 6 vừa qua.

Chưa thích hợp để trưng cầu bằng bỏ phiếu điện tử

nguyen-sinh-hung-1-cc154
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên họp thứ 40 của UB Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, luật cần quy định cụ thể cả về nội dung, nguyên tắc, trách nhiệm của các cơ quan và trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân để vừa đề cao vai trò, ý nghĩa quan trọng của vấn đề trưng cầu ý dân, vừa bảo đảm để Luật có thể thi hành được ngay mà không phải chờ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Liên quan đến đề nghị ngoài hình thức biểu quyết bằng phiếu trưng cầu ý dân, cần bổ sung hình thức khác như xin chữ ký hoặc bỏ phiếu điện tử, ông Lý cho biết, thường trực Ủy ban Pháp luật nhận định, trong điều kiện Việt Nam có khoảng 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa thì việc dự thảo Luật quy định cử tri biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp tương tự như đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là phù hợp và bảo đảm tính khả thi.

Hình thức trưng cầu ý dân bằng xin chữ ký hoặc bỏ phiếu điện tử chỉ phù hợp với một số đối tượng, địa bàn nhất định, như ở những đô thị có mật độ dân cư và trình độ dân trí cao…; tuy vậy, nếu thực hiện cũng sẽ gặp nhiều khó khăn cả về phương tiện, điều kiện kỹ thuật và cũng khó kiểm soát, xác định chữ ký hoặc thư điện tử đó đúng là của cử tri. Hơn nữa, thực tiễn cho thấy, việc cử tri trực tiếp đi bỏ phiếu có ý nghĩa rất lớn, tạo không khí sinh hoạt chính trị dân chủ rộng rãi, là ngày hội của toàn dân; đây cũng là cách đã được triển khai có nề nếp và hiệu quả ở nước ta qua các cuộc bầu cử.

Về vấn đề kết quả trưng cầu ý dân, yêu cầu “quá bán kép” được nhiều ý kiến ủng hộ là điều kiện cần thiết để công bố, thi hành. Theo đó, cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành.

Về hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý để làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tôn trọng và thực hiện kết quả trưng cầu ý dân. Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày UB Thường vụ Quốc hội công bố. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh kết quả của việc trưng cầu ý dân.

Không trưng cầu về chủ quyền, lãnh thổ, sự lãnh đạo của Đảng

Thảo luận về các nội dung đặt ra, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa nhận định, để đảm bảo Luật được thực hiện trong thực tiễn, vấn đề quan trọng nhất là xác định những nội dung nào được đưa ra trưng cầu ý dân. Dù việc liệt kê cụ thể các nội dung không đơn giản nhưng viết chung chung như dự thảo luật hiện tại cũng rất khó thực hiện.

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng băn khoăn về một câu hỏi lớn cần trả lời khi xây dựng luật này là “nội dung trưng cầu ý dân là gì?”. Theo ông Hiển, dự thảo luật hiện vẫn để phạm vi rất rộng, có những nội dung nhất thiết phải hạn chế, không trưng cầu ý dân như chủ quyền quốc gia, biên giới lãnh thổ, quyền lãnh đạo của Đảng…

Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, có 3 nhóm vấn đề để Quốc hội xem xét quyết định trưng cầu ý dân. Đó là các vấn đề thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh, đối ngoại có quan hệ đến sự tồn vong, phát triển của đất nước; những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ nhân dân và những vấn đề kinh tế - xã hội có ảnh hưởng sâu rộng đến quốc kế dân sinh.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Theo Hiến pháp thì Quốc hội có thể quyết định mọi loại vấn đề, nhưng đây là những vấn đề mà Quốc hội thấy cần phải thận trọng, không dám tự mình quyết định, nên mới xin ý kiến nhân dân”.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh lật lại, cần xác định trưng cầu ý dân về quyết định của Quốc hội hay trưng cầu ý dân để Quốc hội chọn theo. Trường hợp trưng cầu về quyết định của Quốc hội tương tự như quyền phúc quyết.

Ông Khánh nêu kinh nghiệm, nhiều nước không đặt ra quyền phúc quyết vì thường là nhà nước tổ chức trưng cầu ý kiến trước khi cơ quan quyền lực nhà nước quyết định vấn đề gì, tức là để dân quyết trước, dân quyết rồi thì nhà nước, Quốc hội làm theo hướng lựa chọn của người dân. Ông Khánh dẫn chứng cuộc trưng cầu của Hy Lạp vừa qua về việc có ở lại Liên minh Châu Âu hay không.

Xung quanh chuyện “quá bán kép”, nhiều ý kiến trong UB Thường vụ Quốc hội cho rằng những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân là loại vấn đề hết sức quan trọng. Trong trường hợp chỉ quá bán kép sát sao thì có nghĩa là chỉ có một tỷ lệ không cao người dân thể hiện quan điểm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị khi có 2/3 số cử tri trở lên đi bỏ phiếu thì cuộc trưng cầu ý dân được coi là có giá trị. Sau đó, phương án được hơn một nửa số cử tri bỏ phiếu tán thành là phương án cuối cùng.

Về hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân, trên tinh thần thận trọng, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định, sau khi có kết quả trưng cầu ý dân, Quốc hội ra nghị quyết công nhận kết quả bỏ phiếu, triển khai thực hiện.

P.Thảo