Vấn đề nào được đưa ra trưng cầu ý dân?
(Dân trí) - “Vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia. Những vấn đề mang tính địa phương, khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan thẩm quyền quyết định”, đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu quan điểm.
Chiều 23/6, thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật trưng cầu ý dân trong thời điểm hiện nay, nhằm kịp thời thể chế hóa Hiến pháp 2013, tạo cơ sở pháp lý để phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) nhận định, dự thảo Luật trưng cầu ý dân đã thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013. Qua đó tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực, đầy đủ vào các công việc của Nhà nước và xã hội.
Cho ý kiến vào từng nội dung cụ thể, đại biểu Vinh cho rằng, những vấn đề đưa ra trong dự thảo hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp, nghĩa là giao quyền tuyệt đối cho Quốc hội quyết định những vấn đề trưng cầu ý dân. Đại biểu cũng đồng thuận với việc không quy định cụ thể vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân. Vì nếu quy định cụ thể sẽ không bao quát được hết các vấn đề kinh tế - xã hội. Còn vấn đề nào được đưa ra trưng cầu ý dân, đại biểu Vinh cho rằng, điều đó phụ thuộc vào thời điểm và cơ quan kiến nghị.
“Vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia. Những vấn đề mang tính địa phương, khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan thẩm quyền quyết định”, đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, cần phải thận trọng, đưa ra giới hạn, nội dung, phạm vi những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân. Ngoài ra, đại biểu đề nghị sửa cụm từ “những vấn đề quan trọng” đưa ra trưng cầu ý dân thành những “vấn đề hệ trọng” của quốc gia. Lý do được đại biểu lập luận: quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước là công việc thường xuyên của Quốc hội.
“Theo tôi chỉ nên trưng cầu ý dân những vấn đề quan trọng, thật cần thiết của quốc gia, nó liên quan nhiều trực tiếp đến đời sống nhân dân, đời sống xã hội, trong điều kiện nhất định. Khi đó trưng cầu ý dân nhằm hướng đến quyết định chính xác hơn, theo ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đạt được sự đồng thuận của toàn xã hội”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành phân tích.
Đại biểu Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) đồng thuận với dự thảo quy định các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước. Không nên tổ chức trưng cầu ý dân ở một địa phương hay phạm vi khu vực nhất định. Bởi lẽ vấn đề quan trọng của đất nước phải do toàn dân quyết định. Những vấn đề cụ thể mang tính địa phương hoặc khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn đề nghị phạm vi trưng cầu ý dân được thể hiện ở tầm quốc gia và địa phương
Tuy nhiên, theo đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) dự Luật nên có quy định mở, để trong một số trường hợp có thể trưng cầu ý dân tại một số tỉnh, thành phố về các vấn đề mang tính bức xúc của địa phương như: sự an toàn hồ đập, thủy điện, thủy lợi, an toàn hạt nhân, ô nhiễm môi trường, ngập lụt, chia cắt đơn vị hành chính.
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn đề nghị phạm vi trưng cầu ý dân được thể hiện ở tầm quốc gia và địa phương. Vì theo đại biểu, tính chất và hiệu quả pháp lý của hình thức lấy ý kiến nhân dân khác với trưng cầu ý dân. Trong khi trưng cầu ý dân tổ chức theo quy trình thủ tục chặt chẽ, kết quả có giá trị quyết định thì hình thức lấy ý kiến nhân dân chỉ được thực hiện đơn giản có khi chỉ là cuộc họp, kết quả không có giá trị quyết định, quyền quyết định thuộc cơ quan có thẩm quyền.
“Như vậy là không công bằng và quyền thực thi dân chủ trực tiếp người dân không được coi trọng, mặc dù những vấn đề đặt ra có thể là sống còn của địa phương, khu vực. Do vậy tôi đề nghị phạm vi trưng cầu ý dân được thể hiện ở tầm quốc gia và địa phương”, đại biểu đoàn Bình Thuận nêu quan điểm.
Quang Phong