1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trực tiếp nghe Thủ tướng trao đổi với cử tri về tình hình Biển Đông

(Dân trí) - Chiều 15/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc tiếp xúc cử tri quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng. Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp kiên quyết đấu tranh buộc Trung Quốc rút giàn khoan tại Biển Đông nhưng vẫn phải bảo vệ, hợp tác làm ăn với doanh nghiệp nước bạn.



Clip Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với cử tri Hải Phòng về tình hình Biển Đông.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhận định việc làm của Trung Quốc là ngang ngược khi hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, vị trí chỉ cách đảo Lý Sơn 120 hải lý, cách đảo Tri Tôn mà Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm trước đó 17 hải lý. Việc làm này vi phạm Công ước luật Biển 1982 và tuyên bố DOC mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN. Theo các văn bản pháp luật này, Việt Nam, với tư cách là quốc gia ven biển, có chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, vùng thềm lục địa của mình.

“Việc làm này ngang ngược và nghiêm trọng, đe dọa hòa bình, đe dọa an ninh, an toàn tự do hàng hải ở Biển Đông vì nếu 2 bên không kiềm chế, có thể sẽ xảy ra xung đột” - Thủ tướng chỉ rõ.

Về phía Việt Nam, người đứng đầu Chính phủ thông tin, nhà nước đã hết sức kiềm chế, kiên trì đấu tranh qua đường ngoại giao, hòa bình. Kể từ ngày 1/5, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào, hạ đặt trên vùng biển Việt Nam, các cơ quan chức năng đã 10 lần gặp, trao đổi với nước bạn. Trong các cuộc gặp, Việt Nam đều nêu rõ hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, yêu cầu nước này rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Tuy nhiên, đến nay, Trung Quốc không những không chấp nhận đề nghị chính đáng của Việt Nam, mà tiếp tục tăng cường leo thang hoạt động, bất chấp những trao đổi của Việt Nam. “Hôm tôi phát biểu ở ASEAN, Trung Quốc có hơn 80 tàu, thì tới giờ đã hơn 90 tàu, vòng mấy lớp cản trở tàu ta tiếp cận giàn khoan. Mà tàu ta tiếp cận để tuyên truyền, kêu gọi họ chấp hành pháp luật quốc tế, tuân thủ các thỏa thuận khu vực, chứ đâu có đe dọa, sử dụng vũ lực” - Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chủ quyền, lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng, Việt Nam cực lực phản đối hành động sai phạm của Trung Quốc và kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trước đây Việt Nam đã có những cuộc đấu tranh như vậy trên biển và đã thành công. Nay ta tiếp tục kiên trì đấu tranh. Với cách làm kiên quyết, nhất quán ấy, vừa qua, Việt Nam đã kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng phê phán việc làm sai trái của Trung Quốc”.

Dù quốc tế đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc không sử dụng vũ lực và đến nay, chưa có quốc gia nào ủng hộ việc làm sai trái của Trung Quốc song họ vẫn sử dụng vòi rồng và súng bắn nước, dùng tàu đâm vào tàu, thuyền của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư vẫn kiên cường đeo bám thực địa với mục tiêu đưa giàn khoan Trung Quốc ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tàu của Việt Nam tuy nhỏ nhưng kiên cường và rất nhiều tàu trong số đó do Việt Nam tự đóng. Hiện tại, Việt Nam đang đóng thêm 30 chiếc tàu tốt hơn nữa để tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền...

“Quan điểm xuyên suốt của chúng ta là yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi khu vực thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; đồng thời mong muốn giữ quan hệ hòa bình, láng giềng hữu nghị” - Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nói với cử tri về hành vi manh động phá hoại của một số người ở Bình Dương, Hà Tĩnh... những ngày qua, khiến nhiều cơ sở sản xuất không chỉ của Trung Quốc mà của cả các nước khác và của chính Việt Nam bị thiệt hại, buộc lực lượng chức năng phải xử lý, bắt tạm giữ nhiều người. “Đó là những vi phạm nghiêm trọng làm mất an ninh trật tự ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, an ninh kinh tế, đến đời sống người dân, đến môi trường đầu tư, đến chính sách của Đảng, nhà nước. Tôi yêu cầu bằng mọi biện pháp phải ngăn chặn không để tiếp tục xảy ra hành vi vi phạm này” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng thông tin: “Sáng 15/5, tôi đã có công điện công khai phê bình các hành động sai và vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự đó. Họ làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, việc làm và đời sống bình thường của người dân, môi trường đầu tư, chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước”.

Không chỉ yêu cầu các bộ ngành, địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp nêu trong công điện, Thủ tướng thông qua cử tri Hải Phòng gửi đi thông điệp: “Ta với người dân, doanh nghiệp Trung Quốc và các nước là cùng nhau làm ăn, ta có lợi mà họ cũng có lợi, nên cần hợp tác và tuân thủ pháp luật để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”.

P.Thảo