1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Trụ sở Sở Nội vụ Hà Nội có được hoạt động sau thông báo của công an quận?

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Chuyên gia pháp lý cho rằng, để trụ sở Sở Nội vụ Hà Nội được hoạt động trở lại, cơ quan công an cần ban hành quyết định phục hồi hoạt động. Nếu chỉ dựa vào tờ thông báo thì chưa đủ cơ sở pháp lý.

Sau 2 ngày tạm đình chỉ hoạt động trụ sở làm việc của Sở Nội vụ Hà Nội ở địa chỉ 18B Lê Thánh Tông, phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), ngày 25/11, Công an quận Hoàn Kiếm đã ban hành thông báo về việc đảm bảo an toàn tại trụ sở cơ quan này.

Tuy nhiên, theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), nếu chỉ dựa vào thông báo mà trụ sở Sở Nội vụ Hà Nội lập tức được phép hoạt động trở lại là chưa đủ căn cứ pháp lý.

Trụ sở Sở Nội vụ Hà Nội có được hoạt động sau thông báo của công an quận? - 1

Trụ sở Sở Nội vụ Hà Nội ở địa chỉ 18B Lê Thánh Tông, phường Phan Chu Trinh (Ảnh: Hải Nam).

Luật sư Tiền cho biết, theo quy định, trong thời gian đang thực hiện quyết định tạm đình chỉ hoạt động mà Sở Nội vụ đã loại trừ xong nguy cơ phát sinh cháy, nổ hoặc khắc phục được các hành vi vi phạm quy định về PCCC thì phải có văn bản đề nghị phục hồi hoạt động (theo Mẫu số PC15 ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP).

Tiếp đó, trong thời hạn 7 ngày làm việc, cán bộ được giao theo dõi phải báo cáo Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm tổ chức kiểm tra kết quả khắc phục nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ, khắc phục vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức, cá nhân và lập biên bản theo Mẫu số PC10 ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

"Nếu nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ đã được loại trừ và vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy đã được khắc phục thì Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cần ban hành Quyết định phục hồi hoạt động theo Mẫu số PC16 ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP" - ông Tiền thông tin thêm.

Chia sẻ quan điểm về việc tạm đình chỉ hoạt động Sở Nội vụ, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng đây là cơ quan Nhà nước cấp tỉnh nên việc Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm ban hành Quyết định tạm đình chỉ hoạt động số 23/QĐTĐC-CAHK là chưa đúng thẩm quyền.

Theo luật sư Hậu, trong vụ việc này, thẩm quyền ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với Sở Nội vụ UBND TP Hà Nội chỉ có thể thuộc về Giám đốc Công an TP Hà Nội hoặc Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hà Nội.

Ngoài ra, Khoản 2 Điều 17 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định: "Việc tạm đình chỉ hoạt động chỉ giới hạn trong phạm vi nhỏ nhất và theo nguyên tắc nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ xuất hiện ở phạm vi nào hoặc vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy ở phạm vi nào thì tạm đình chỉ hoạt động trong phạm vi đó".

"Do đó, việc tạm đình chỉ hoạt động toàn bộ một cơ quan Nhà nước như vậy đã vi phạm nguyên tắc của nghị định. Đặc biệt khi tạm đình chỉ hoạt động toàn bộ một cơ quan nhà nước đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động và cán bộ, công viên chức. Tôi cho rằng, động thái của Công an quận Hoàn Kiếm đã có dấu hiệu sai phạm, xâm phạm đến quyền lợi của người lao động, cán bộ, công viên chức đến làm việc tại trụ sở Sở Nội vụ" - ông Hậu nói.

Trước đó, ngày 23/11, Công an quận Hoàn Kiếm ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của Sở Nội vụ ở địa chỉ 18B Lê Thánh Tông trong vòng 1 tháng kể từ 8h ngày 24/11.

Cũng tại quyết định, Công an quận Hoàn Kiếm yêu cầu Sở Nội vụ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này và thực hiện các yêu cầu về đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy.

Đến ngày 25/11, qua kiểm tra, Công an quận Hoàn Kiếm nhận thấy trụ sở ở 18B Lê Thánh Tông đã tiến hành khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy theo nội dung đã nêu ra trước đó để đi vào hoạt động nên ban hành thông báo gửi Sở Nội vụ Hà Nội.