Quyết định "tạm đình chỉ Sở Nội vụ" của Công an Hoàn Kiếm đúng hay sai?
(Dân trí) - Luật sư cho rằng, Công an quận Hoàn Kiếm thật sự dũng cảm, thượng tôn pháp luật khi ban hành quyết định này. Tuy nhiên cần ghi rõ hơn "đối tượng tạm đình chỉ" để tránh hiểu lầm.
Như đã đưa tin, Công an quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của Sở Nội vụ Hà Nội tại địa chỉ số 18B Lê Thánh Tông (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm) trong một tháng, kể từ 8h ngày 24/11.
Quyết định do Đại tá Hà Mạnh Hùng - Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) ký, ban hành gửi Chủ tịch UBND quận và các đơn vị liên quan.
Thông tin trên khiến nhiều độc giả Dân trí băn khoăn: Quyết định của Công an quận Hoàn Kiếm Hà Nội liệu có đúng quy định? Tại sao công an quận lại được ra quyết định đình chỉ hoạt động của một sở? Trong khi bản chất của sự việc này là tạm đình chỉ hoạt động của trụ sở Sở Nội vụ Hà Nội tại 18B Lê Thánh Tông do tòa nhà này có vi phạm về công tác phòng cháy chữa cháy.
Đồng quan điểm, một độc giả viết: "Công an quận Hoàn Kiếm ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của Sở Nội vụ Hà Nội liệu có vi hiến? Vì Sở Nội vụ là cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc quyền quản lý của TP Hà Nội do UBND TP Hà Nội ra quyết định thành lập, nên việc đình chỉ hoạt động của Sở này là do UBND TP Hà Nội quyết định. Vì vậy theo tôi, việc này Công an quận Hoàn Kiếm chỉ đề xuất xử hạt hành chính về lỗi không thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy thôi".
Bên cạnh những ý kiến băn khoăn, nhiều độc giả khác lại đồng tình và cho biết: "Hân hoan cổ vũ tinh thần của các anh Công an. Chúng tôi vô cùng cảm kích trước việc xử lý nêu trên. Cần công khai các cơ quan, tổ chức vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy. Bởi chỗ này thì buông lỏng, chỗ kia thì thắt chặt đã gây bức xúc cho người dân. Công an quận Hoàn Kiếm đáng được hoan nghênh!".
Luật sư: Một quyết định đúng
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị về băn khoăn trên của độc giả.
Luật sư Lực cho biết, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định việc tạm đình chỉ hoạt động của cơ sơ không đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy tại điều 17.
Theo quy định trên đối tượng bị điều chỉnh của biện pháp tạm đình chỉ hoạt động là "cơ sở" nói chung không phân biệt cơ sở đó của tổ chức trong hệ thống hành chính hay dân sự. Cơ quan hành chính nhà nước bất kỳ cũng đều là đối tượng có thể bị tạm đình chỉ hoạt động do vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy. Trụ sở của Sở nội vụ Hà Nội cũng được xác định là một "cơ sở" thuộc đối tượng điều chỉnh của biện pháp tạm đình chỉ.
Về thẩm quyền: Theo quy định tại điểm c, khoản 8 điều 17 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP Công an quận Hoàn Kiếm có đủ thẩm quyền tạm đình chỉ hoạt động với toàn bộ cơ sở vi phạm phòng cháy chữa cháy. Về cấu trúc hệ thống cơ quan Nhà nước thì cấp Sở cao hơn cấp quận. Tuy nhiên trong trường hợp này đây chỉ đơn thuần là quan hệ giữa cơ quan phòng cháy chữa cháy (Công an quận Hoàn Kiếm) với "cơ sở" vi phạm hành chính (Sở Nội vụ Hà Nội). Cơ sở vi phạm dù là ai thì cũng chỉ là đối tượng thuộc quyền điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền. Công an quận Hoàn Kiếm tạm đình chỉ hòa động của Sở Nội vụ là đúng thẩm quyền.
Về Căn cứ tạm đình chỉ: được quy định tại điểm c, khoản 1 điều 17 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP:
" c) Vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định về phòng cháy và chữa cháy:
Cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng của cơ sở, hạng mục thuộc cơ sở, hoán cải phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này ảnh hưởng đến một trong các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm b, điểm c khoản 5 Điều 13 Nghị định này khi chưa có văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an có thẩm quyền;
Đưa công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này vào hoạt động, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an có thẩm quyền".
Tuy nhiên luật sự Lực lưu ý, trong nội dung Quyết định tạm đình chỉ hoạt động tại điều 1 cần xác định rõ ràng hơn để tránh gây hiểu lầm trong dư luận.
Đối tượng tạm đình chỉ theo quy định là chỉ là "cơ sở" chứ không phải là pháp nhân cơ quan tổ chức. Điều 1 của Quyết định tạm đình chỉ với cách ghi đưa Sở Nội vụ lên trước địa chỉ dễ gây hiểu nhầm về việc Công an quận Hoàn Kiếm tạm đình chỉ với pháp nhân Sở Nội vụ. Cấp dưới không thể tạm đình chỉ hoạt động với cấp trên.
"Cơ sở" được hiểu là cơ sở vật chất, trụ sở đơn vị thuộc về yếu tố vật chất. Trường hợp này đối tượng tạm đình chỉ cần phải ghi là "Trụ sở số 18 B Lê Thánh Tông, phường Phan Chu Chinh, quận Hoàn Kiếm của Sở Nội vụ".
Luật sư Quách Thành Lực đánh giá, Công an quận Hoàn Kiếm thật sự dũng cảm, thượng tôn pháp luật khi ban hành quyết định này. Ai cũng phải tuân thủ pháp luật, chịu sự chế tài, xử phạt khi vi phạm pháp luật. Càng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì càng phải tuân thủ. Đây cũng là một hành động thực thi pháp luật khiến cho dư luận xã hội hài lòng, cảm nhận được sự công bằng khách quan trong thực thi pháp luật, không phân biệt đối xử với chủ thể vi phạm.