1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Trò chơi quý tộc “xâm lăng” trường đại học

(Dân trí) - Hiện nay, nhiều trường ĐH ở Hà Nội đang dành những vị trí đẹp nhất trong khuôn viên trường để kinh doanh môn thể thao quý tộc tennis. Sinh viên thiếu chỗ ở, chỗ chơi nhưng hàng ngày vẫn chứng kiến cảnh các “đại gia” cưỡi xe “mẹc”, “bêmờvê”… hùng dũng vác vợt vào sân.

“Vùng cấm” của quý tộc

 

Đó là tên gọi mà sinh viên trường Học viện Ngân hàng dành cho sân tennis sau khu nhà D. Học viện Ngân hàng đã cắt xén một quỹ đất không nhỏ của trường để dành cho môn thể thao quý tộc này. Với hàng rào bao quanh cao cả chục mét, diện tích hàng trăm mét vuông, nhưng hàng ngày sân chỉ đón vài gương mặt quen thuộc, những người đủ khả năng chi cho những giờ chơi lên đến hàng trăm nghìn đồng.

 

Chiều chiều, sinh viên học viện vẫn mang sách vở ra ghế đá ôn bài. Thỉnh thoảng họ lại giật mình bởi tiếng hét phấn khích của người chơi. Một sinh viên góp ý: Cả khu vực sân tennis ấy nếu xây dựng ký túc xá cho sinh viên ở còn có ý nghĩa hơn nhiều. Hiện ký túc xá học viện, mỗi phòng bé tin hin đã chứa xấp xỉ gần chục sinh viên.

 

Ngoài sân tennis, học viện này còn có một sân bóng khá rộng, nhưng cũng không dành cho sinh viên trong trường. Mỗi khi có giờ thể dục, giảng viên dẫn cả đoàn học trò đi sát mép tường về phía cuối sân để tìm đường chạy. Cả sân bóng mênh mông và sạch sẽ được nhà trường cho người ngoài thuê.

 

Ông Kiều Hữu Thiện, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, cho biết sân tennis là do Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tài trợ về vốn. Sân được xây lâu rồi và mới sửa lại, với mục đích phục vụ giáo viên của trường.

 

“Hoành tráng” hơn cả là trường ĐH Thuỷ lợi. Từ năm 2001, trường đã mạnh tay đầu tư xây liền ba sân tennis, với tổng diện tích lên đến hơn 1.500m2. Một vị phó phòng hành chính tổng hợp của trường giải thích, sân được xây lên để phục vụ cán bộ và sinh viên của trường. Ngoài giờ hành chính mới cho người ngoài thuê.

 

Phục vụ sinh viên?

 

Cũng vị phó phòng hành chính ấy, khi được hỏi môn tennis có nằm trong chương trình giảng dạy của nhà trường không, thì băn khoăn nói “không biết và sẽ kiểm tra lại”.

 

Trong khi đó, ông này cũng thừa nhận hiện khu KTX của nhà trường mới đáp ứng được 30% nhu cầu của các sinh viên.

 

Ông Kiều Hữu Thiện thì khẳng định, điều kiện đất đai tại Học viện Ngân hàng rất khó khăn, KTX sinh viên chỉ đáp ứng được chỗ ở cho 800 sinh viên. Nhưng sân tennis là do nhà khách học viện quản lý. Thu chi cũng do bên đó thực hiện. Sân này không phải để kinh doanh, nhưng cho thuê thêm để lấy tiền chi phí cho những hoạt động của nhà trường.

 

Chúng tôi đã đến gặp nhân viên của của nhà khách Học viện Ngân hàng, được cho biết: Người ngoài có thể thuê sân để chơi. Nhân viên này cho biết: Hiện nay hợp đồng đã kín, nếu có nhu cầu thì cuối năm liên hệ lại, giá mỗi giờ chơi là 80.000 đồng.

Theo ông Thiện, thực tế xây sân tennis là để đưa môn học này vào cho sinh viên và cán bộ giáo viên. Do địa bàn trường chật nên thay một số môn thể dục thể thao bằng những môn trên cơ sở nhà trường có điều kiện. Người ngoài có thể thuê sân? “Người ngoài không có”, ông Thiện nói. Ông Thiện còn khẳng định sân này cũng không phải để dành riêng cho anh em giảng viên trong trường, “bản thân tôi cũng phải thuê sân ASEAN để đánh” - ông Thiện nói.

 

Đặt câu hỏi về việc xây dựng sân tennis trong khi nhu cầu chỗ ở của sinh viên còn bức bách thì có lãng phí không, ông Thiện nói rằng không có gì là lãng phí, không có gì là sai cả.

 

Theo thiển ý của người viết, đây cũng có thể coi là một hình thức “xẻ thịt” đất công. Không biết có khiên cưỡng không?

 

Trần Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm