Trình 6 cơ chế đặc thù để xây metro TPHCM theo cách chưa từng có
(Dân trí) - Linh hoạt huy động vốn, rút ngắn thủ tục, khai thác quỹ đất TOD, làm chủ công nghệ, đảm bảo nguyên vật liệu... là những điều kiện để TPHCM hoàn thành mạng lưới metro vào năm 2045.
Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh vừa thay mặt Chính phủ ký trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM.
Đây là những đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù cho hai thành phố lớn nhất cả nước để có thể hoàn thiện hàng trăm km đường sắt đô thị trong thập kỷ tới. Các chính sách đặc thù này chưa có trong luật, hoặc khác biệt với luật, dẫn tới nhu cầu phải có một nghị quyết của Quốc hội để quy phạm hóa.
![Trình 6 cơ chế đặc thù để xây metro TPHCM theo cách chưa từng có - 1 Trình 6 cơ chế đặc thù để xây metro TPHCM theo cách chưa từng có - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/J6sJJwegFrcvEwEa7Yl6hEmUPfA=/thumb_w/1020/2025/01/08/map-metro-1-1736273892235.jpg)
Quy hoạch đường sắt đô thị TPHCM với 355km metro được ưu tiên đầu tư từ nay đến 2035 (Đồ họa: Khương Hiền).
Trong tờ trình, Chính phủ đưa ra 6 nhóm cơ chế cần quy phạm hóa gồm (1) huy động nguồn vốn; (2) Trình tự, thủ tục đầu tư; (3) Phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development, mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng); (4) Phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; (5) Chính sách vật liệu xây dựng; (6) Các quy định áp dụng riêng cho TPHCM.
Sở dĩ có nhóm cơ chế thứ 6 dành riêng cho TPHCM bởi Luật Thủ đô ban hành năm 2024 đã tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế cho Hà Nội.
Một số cơ chế đặc thù cho TPHCM như: Trong khu vực TOD, UBND TPHCM được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu từ việc khai thác giá trị tăng thêm từ đất; UBND TP được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ tổ chức tài chính trong nước, vay lại khoản vay của Chính phủ...
Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua những cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng. Một ví dụ thành công trước đó là việc Quốc hội thông qua một loạt cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ loạt dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025.
![Trình 6 cơ chế đặc thù để xây metro TPHCM theo cách chưa từng có - 2 Trình 6 cơ chế đặc thù để xây metro TPHCM theo cách chưa từng có - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/XzyRzG11p1oMzYA5Vj2gPSc1iZw=/thumb_w/1020/2025/02/09/metroso1-tphcmnamanhdji0080-1734529982867-1739117235870.jpg)
TPHCM cần gấp rút triển khai các dự án metro tiếp theo sau khi khai trương metro số 1 (Ảnh: Nam Anh).
Chính phủ cho biết trên thế giới hiện có hơn 200 thành phố xây dựng hệ thống đường sắt đô thị. Các thành phố có dân số khoảng 5 triệu người, thu nhập bình quân đầu người khoảng 6.000 USD/người/năm được khuyến nghị cần đầu tư hệ thống metro để giảm ùn tắc, ô nhiễm, tai nạn giao thông.
Quy mô dân số năm 2023 của Hà Nội khoảng 8,5 triệu người, thu nhập bình quân đầu người 5.900 USD/người/năm. Tương tự với TPHCM là khoảng 9,5 triệu người và 6.700 USD/người/năm. Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ, đầu tư đồng loạt hệ thống đường sắt đô thị của hai thành phố vào thời điểm này là phù hợp.
Đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM bắt đầu được xây dựng từ năm 2007. Tuy nhiên, tiến độ triển khai chậm, không đáp ứng nhu cầu vận tải. Quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, đặc biệt là các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện.
Vừa qua, hai thành phố đã hoàn thành hai bản đề án phát triển đường sắt đô thị, với những thay đổi về số lượng dự án, hướng tuyến, tư duy phát triển TOD... và đề xuất những chính sách đặc thù trên cơ sở rút kinh nghiệm từ sự chậm trễ, bất cập của những dự án metro đã triển khai.