1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Triều cường ở TPHCM lên trong đêm

Tâm Linh

(Dân trí) - Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ dự báo, đỉnh triều cao nhất ở TPHCM có khả năng duy trì hết ngày 19/11.

Khoảng 23h ngày 18/11, phóng viên ghi nhận một số tuyến đường tại quận 7 ngập lênh láng nước do triều cường. Trong đó, nước dâng gần 2km đường Huỳnh Tấn Phát.

"Tôi vừa đi chơi về đến ngã tư đường Phú Thuận - Huỳnh Tấn Phát, tài xế ô tô công nghệ thấy đường ngập đã đề nghị tôi hủy chuyến vì lo đi càng sâu vào đường Phú Thuận sẽ càng ngập sâu, xe không qua được", anh Vĩnh (ngụ ở chung cư gần đó kể lại tình hình trước 23h.

Triều cường ở TPHCM lên trong đêm - 1

Nước lênh láng trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, chụp lúc 22h55 ngày 18/11 (Ảnh: Nhật Quang).

Thông thường, hiện tượng ngập do triều cường ở khu vực này diễn ra vào sáng sớm (4h-7h) hoặc chiều tối (16h-18h). Ngập vào đêm như nói trên ít khi xảy ra.

Một số người dân sống ở khu vực đường Huỳnh Tấn Phát, Phú Thuận lo lắng về sự bất thường của triều cường, ngập vào tối muộn có thể ảnh hưởng đến giao thông dù không phải giờ tan tầm, có thể dẫn đến câu chuyện như anh Vĩnh kể trên.

Theo ghi nhận của Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) Nam Bộ, trong ngày 18/11, mực nước tại hầu hết trạm đo tại vùng hạ lưu sông hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai lên nhanh và ở mức cao.

Mực nước đỉnh triều cao nhất thực đo tại một vài trạm ở TPHCM trong ngày 18/11 là: trạm Nhà Bè cao 1,6m và trạm Phú An cao 1,61m đều xấp xỉ mức báo động (BĐ) II.

Đài KTTV dự báo mực nước tại vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai có thể xuống nhanh trong những ngày tới. Đỉnh triều cao nhất ngày ở mức xấp xỉ hoặc trên mức BĐI, có khả năng duy trì hết ngày 19/11.

Đây là kỳ triều cường đầu tháng 10 Âm lịch. Trước đó, Đài KTTV dự báo đỉnh triều đợt này có thể xuất hiện vào ngày 14-15/11. Tuy nhiên diễn biến triều cường đã kéo dài nhiều ngày hơn.

Triều cường ở TPHCM lên trong đêm - 2

Vị trí đoạn đường thường xuyên ngập do triều cường ở quận 7 (Đồ họa: Tâm Linh).

Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM đã có văn bản khẩn triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó đợt triều cường giữa tháng 11, đề nghị UBND các địa phương thường xuyên thông báo về diễn biến của đợt triều cường cho người dân biết để chủ động ứng phó.

Mới đây, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM đã xây dựng app (ứng dụng) trên điện thoại di động mang tên PCTT HCM.

Ứng dụng có các tính năng như: cập nhật tin tức, các văn bản pháp luật liên quan lĩnh vực PCTT và tìm kiếm cứu nạn; thông tin về thời tiết, thiên tai (áp thấp nhiệt đới, bão, ngập úng, sạt lở bờ sông, lốc xoáy, sét, mưa đá, nắng nóng, hạn hán, động đất, sóng thần...) và các hướng dẫn về phương án phòng, tránh, ứng phó.

Bên cạnh đó, ứng dụng này cũng cung cấp bản đồ về vị trí an toàn di dời phòng tránh thiên tai, bản đồ vị trí xung yếu và vị trí sạt lở trên toàn địa bàn thành phố. Ngoài ra còn có tính năng phản ánh thông tin về thiên tai, cứu nạn, cứu hộ của tổ chức, cá nhân gửi đến các cơ quan chức năng bằng nhiều hình thức như gọi điện, tin nhắn, email, hình ảnh, bản ghi âm...

Theo Sở Xây dựng TPHCM, từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố có 25 tuyến đường bị ngập nước (tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái).

Trong đó, 7 tuyến đường bị ngập nhiều nhất do triều cường ở quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh là: Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát, Phạm Hữu Lầu, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Nguyễn Bình, quốc lộ 50.