Triển khai thi công cầu Mỹ Thuận 2 hơn 5.000 tỷ đồng

Lan Anh

(Dân trí) - Sáng 19/8, tại tỉnh Vĩnh Long, Bộ Giao thông vận tải kết hợp UBND tỉnh Vĩnh Long và UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức lễ triển khai thi công xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.

Triển khai thi công cầu Mỹ Thuận 2 hơn 5.000 tỷ đồng - 1
Lãnh đạo Bộ GTVT và lãnh đạo địa phương dự lễ triển khai thi công cầu Mỹ Thuận 2

Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu là một dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017- 2020. Tổng mức đầu tư dự án là 5.003 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị là 3.389,6 tỷ đồng.

Điểm đầu tại Km101+126, khớp nối với Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung thuộc địa phận huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang). Điểm cuối tại Km107+740, khớp nối với Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tại nút giao Quốc lộ 80 thuộc địa phận thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long). Với tổng chiều dài tuyến khoảng 6,61km.

Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền cách 350m về phía thượng lưu so với cầu Mỹ Thuận hiện hữu. Phần cầu chính (cầu Mỹ Thuận 2) dài = 1.906km, với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h; nhịp chính kết cấu dây văng dài 650m; nhịp dẫn kết cấu dầm Super T và dầm hộp đúc hẫng cân băng dài 1.276m. Phần đường dẫn hai đầu cầu dài 4,7km, trong đó phía Tiền Giang 4,3km, phía Vĩnh Long 0,4km, vận tốc thiết kế 100km/h. Dự kiến hoàn thành vào năm 2023.

Triển khai thi công cầu Mỹ Thuận 2 hơn 5.000 tỷ đồng - 2
Bản đồ tổng quan dự án (đường màu đỏ)

Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, nhằm mục đích kết nối hai tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ. Sau khi hoàn thành, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ nối thông tuyến cao tốc từ TPHCM về Cần Thơ, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ thông thương giữa trung tâm kinh tế thương mại phía Nam và các tỉnh ĐBSCL, góp phần hoàn thiện hệ thống vận tải, đồng thời giảm áp lực giao thông ngày càng lớn cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và quốc lộ 1A, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày càng tăng cao, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội khu vực Tây Nam Bộ.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, ĐBSCL với vai trò là vựa lúa của cả nước, có tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn với sự phát triển, gia tăng nhanh chóng của các phương tiện vận tải. Tuy nhiên, các trục đường bộ chính trong khu vực lại chưa được đầu tư đồng bộ.

Mặt khác, do các đô thị đang bám vào các tuyến trục quốc lộ chính, giao thông khai thác hỗn hợp giữa xe máy và ô tô, gây nên tình trạng hỗn loạn, làm gia tăng tai nạn giao thông. Do đó, đường cao tốc được xây dựng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, rút ngắn thời gian đi lại, thông thương giữa các vùng miền, đồng thời bảo đảm lưu thông an toàn do tách riêng được xe ôtô ra khỏi các luồng xe khác, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông...