1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trì trệ tình trạng ban hành văn bản hướng dẫn luật

(Dân trí) - Phần lớn các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết ban hành chậm so với qui định. Thậm chí có những luật được ban hành gần mười năm, đã được sửa đổi và thông qua vậy mà vẫn còn 20 văn bản và nội dung chưa được hướng dẫn thi hành. Đó là thực trạng tình hình ban hành Văn bản qui phạm pháp luật hiện nay.

Trong buổi họp chiều qua, 22/11, đánh giá về tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, UBTV Quốc hội nhận định, mặc dù có những chuyển biến trong việc đảm bảo tiến độ ban hành văn bản so với nhiệm kỳ Quốc hội trước, song qua báo cáo của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, TANDTC, VKSNDTC cho thấy, phần lớn vẫn còn chậm so với qui định của pháp luật và yêu cầu thực tế.

 

Trong lĩnh vực kinh tế, còn khoảng 100 văn bản mà Chính phủ, Thủ tướng chưa ban hành được để hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh (đó là chưa kể các văn bản của các bộ, ngành). Có những pháp lệnh được ban hành từ kỳ họp Quốc hội khoá X nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn (như Pháp lệnh phòng chống lụt bão).

 

Tổng kết cho thấy, có tới 167 trên tổng số 255 văn bản được ban hành sau ngày luật, pháp lệnh, nghị quyết có hiệu lực từ 7 tháng đến hơn 3 năm. Thậm chí bộ luật hình sự có hiệu lực từ ngày 1/7/2000 tính đến nay đã được 5 năm nhưng mới có 14/24 văn bản hướng dẫn được ban hành. Bộ luật Dân sự được thông qua từ năm 1995, có hiệu lực từ 1/7/1996 đến nay đã gần 10 năm, đã được sửa đổi căn bản và được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (6/2005) vậy mà  mới ban hành được 54 văn bản, còn 20 văn bản và nội dung chưa được hướng dẫn thi hành.

 

Về tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản pháp luật (VBPL), báo cáo của UBTV Quốc hội  cũng khẳng định, vẫn còn một số văn bản hướng dẫn thi hành chưa phù hợp với qui định của hiến pháp, luật, pháp lệnh. UBTV Quốc hội đã viện dẫn một số qui định như: Thông tư 02/2003/TT-BCA (C11) ngày 13/11/2003 của Bộ Công an qui định: “… Mỗi người chỉ được đăng ký 01 xe môtô hoặc xe gắn máy” là đã hạn chế quyền sở hữu tài sản của công dân được qui định tại Điều 58 Hiến pháp năm 1992 và khoản 1 Điềi 221 Bộ luật dân sự.

 

Hay như điểm 2, khoản 3, Thông tư liên ngành số 03/TTLN của TANDTC và VKSNDTC hướng dẫn áp dụng khoản 1 điều 255 của Bộ luật dân sự đã bị “thổi còi” và được chỉ ra rằng nội dung hướng dẫn này chưa phù hợp với chính khoản 1, điều 255 Bộ luật dân sự. Một số văn bản hướng dẫn đã qui định những vấn đề vượt quá hoặc thu hẹp phạm vi điều chỉnh của luật, pháp lệnh.

 

Ngoài ra, báo cáo của UBTVQH cũng chỉ ra nội dung một số văn bản hướng dẫn thi hành còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa theo kịp yêu cầu quản lý và tốc độ phát triển của ngành nên khi triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Văn bản trong một số lĩnh vực còn chồng chéo, gây khó khăn cho công dân.

 

Qua kiểm tra, Bộ tư pháp phát hiện tới 96/673 văn bản được kiểm tra có nội dung sai trong đó 27 văn bản không đúng về căn cứ pháp lý, 48 văn bản có nội dung không phù hợp với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, 4 văn bản sai về thẩm quyền nội dung…

 

Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ về tình hình soạn thảo, ban hành và kiểm tra văn bản qui phạm pháp luật đưa ra một trong những khó khăn, vướng mắc là do một số luật, pháp lệnh có nhiều qui định mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể. Nhiều vấn đề chi tiết thường được giao cho Chính phủ, bộ, ngành qui định tại văn bản dưới luật khiến lượng văn bản mà Chính phủ cần ban hành rất lớn (có những luật, pháp lệnh cần tới hơn 10 văn bản hướng dẫn).

 

Để khắc phục tình trạng yếu kém trong ban hành VBQPPL, Chính phủ đang xây dựng và hoàn thiện Qui trình xây dựng VBQPPL trong đó tăng cường năng lực cho các cơ quan, công chức trực tiếp tham gia soạn thảo VBQPPL đồng thời tăng cường trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong công tác chỉ đạo và ban hành VBQPPL.

 

Đức Hòa - Hồng Hạnh