Trên 3.000 phản ánh, kiến nghị về văn bản mâu thuẫn, chồng chéo
(Dân trí) - Sau thời gian ngắn, Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát văn bản quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sự phát triển, đã nhận trên 3.000 phản ánh của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu - Tổ phó thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật - vừa cho biết, bộ phận thường trực Tổ công tác đã tiếp nhận hàng trăm văn bản của các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong toàn quốc gửi đến với trên 3.000 nội dung kiến nghị, phản ánh.
“Qua đó cho thấy các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan, tổ chức đã hưởng ứng nhiệt tình, có trách nhiệm và đặt nhiều hy vọng vào hoạt động rà soát, phát hiện các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sự phát triển để có biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh”- ông Hiếu cho hay.
Các kiến nghị, phản ánh này đã được Bộ Tư pháp tổng hợp, phân loại và chia sẻ kịp thời đến các bộ, cơ quan ngang bộ và các nhóm rà soát để phục vụ việc rà soát.
Theo ông Hiếu, Tổ công tác được thành lập, đi vào hoạt động giữa lúc dịch bệnh Covid-19 đang tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát các quy định pháp luật gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh để kịp thời ứng phó và giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế.
Tổ công tác đã nghiên cứu và nhận diện được 11 chuyên đề cần tập trung rà soát chuyên sâu trong năm 2020 về: Điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp; phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư (gồm cả dự án đầu tư công); tài chính, thuế; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản; lao động, việc làm và an sinh xã hội; hợp đồng, giải quyết tranh chấp phát sinh trong kinh doanh, phá sản doanh nghiệp; kiểm tra chuyên ngành (trọng tâm là kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu); bổ trợ tư pháp, tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp; phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong quản lý nhà nước về kinh tế; rà soát quy định pháp luật đảm bảo đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; rà soát quy định pháp luật gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh để kịp thời ứng phó và giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế.
“Đây là các nội dung liên quan mật thiết đến hoạt động đầu tư, kinh doanh. Các quy định pháp luật trong các lĩnh vực này luôn tiềm ẩn nguy cơ mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn”- ông Hiếu nói.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp khẳng định, việc rà soát những văn bản quy phạm pháp luật có quy định chồng chéo, mẫu thuẫn, không phù hợp với thực tiễn là công việc khó, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian thực hiện. Tổ công tác cũng sẽ có các hình thức tham vấn rộng rãi, thực chất các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng điều chỉnh của pháp luật, nhất là về các giải pháp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quá trình rà soát văn bản.
Đại diện Bộ Tư pháp cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân trong cả nước, nếu phát hiện những vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật, đặc biệt là những quy định của pháp luật trong 11 chuyên đề nêu trên thì kịp thời phản ánh, kiến nghị tới Tổ công tác thông qua Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) hoặc địa chỉ email tocongtac236@moj.gov.vn để tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Như Dân trí phản ánh trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 236/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Tổ trưởng Tổ công tác là Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Tổ phó thường trực là Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
Thế Kha